Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 24-11 nói rằng Trung Quốc nên nối bước Philippines ban hành lệnh cấm tương tự, ngăn ngư dân hoạt động trong bãi cạn Scarborough.
“Trung Quốc nên ra quy định cấm đánh bắt ở khu vực sinh sản của các loài sinh vật biển vì lợi ích của họ, họ nên bảo vệ nó. Đó cũng là vì lợi ích của Philippines, chúng ta không thể phá hủy nó bởi đó là nguồn thực phẩm của chúng ta” - ông Duterte cho biết.
“Thậm chí nếu không có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền ở bãi cạn thì theo lẽ thường chúng ta không nên phá hủy nguồn sống ở vùng biển này” - lãnh đạo Philippines nhận định. Bất kỳ công trình nào được xây dựng trên bãi cạn đều làm gián đoạn quá trình sinh sản của cá.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc tuyên bố bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển. Ảnh: Presidential Photo
Ông Duterte dự kiến ký sắc lệnh tuyên bố bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển. Ngư dân sẽ bị cấm đánh bắt ở xung quanh bãi cạn. Tuy phía Philippines nói Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó không hề đả động tới kế hoạch này. Thay vào đó, họ tái khẳng định chủ quyền đối với Scarborough.
Không chỉ đối mặt thái độ lấp lửng của Trung Quốc, kế hoạch của ông Duterte còn vấp phải phản đối của ngư dân trong nước. Theo trang Inquirer, ngư dân ở thị trấn ven biển Subic cho rằng lệnh cấm đánh bắt sẽ cướp đi ngư trường truyền thống của họ.
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi ngư dân Philippines được đánh bắt trở lại ở khu vực quanh bãi cạn Scarborough, nơi có nguồn thủy sản dồi dào bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.
Ông Tirso Atiga, ngư dân 44 tuổi, bức xúc: “Chúng tôi không ủng hộ kế hoạch đó. Bãi cạn là ngư trường truyền thống của chúng tôi, chúng tôi không hiểu tại sao chính phủ đột nhiên cấm đánh bắt tại khu vực này”.
Ông Artiga cho rằng thay vì cấm, chính phủ có thể khai thác chúng một cách chừng mực, quá đó giúp bảo vệ bãi cạn khỏi nạn đánh bắt trộm và phá hủy môi trường biển. Theo ông, động thái mới của chính phủ có thể gây bất lợi cho ngư dân.
Ông Artiga lý giải: “Không có gì chắc chắn Trung Quốc và các quốc gia khác công nhận bãi cạn là khu bảo tồn biển. Đó sẽ là mất mát của ngư dân Philippines nếu chúng ta không được chính phủ cho phép tiếp cận bãi cạn”.
Ông Edwin Arcelao, chủ tịch của nhóm Samahang Zambaleñong Mangingisda, ước tính lệnh cấm của ông Duterte có thể khiến 2.000 ngư dân của tỉnh Zambales, cách bãi cạn chừng 240 km, phải tìm vùng biển khác để mưu sinh.
Bình luận (0)