Trước đó, ngay sau khi hay tin đảo chính, Tổng thống Erdogan đã tức tốc rời khu nghỉ dưỡng trong đêm 15-7 để quay về TP Istanbul. Tuy nhiên, máy bay của ông lại phải đột ngột chuyển hướng, hạ cánh xuống TP Izmiz. Nguyên nhân, theo lời giải thích của một quan chức cấp cao, là do “gặp trục trặc trên không”.
Máy bay của ông Erdogan sau đó đã hạ cánh an toàn xuống TP Istanbul vào rạng sáng 16-7. Khi xuất phát, chiếc Gulfstream IV TC-ATA chở ông Erdogan hoạt động rất bí mật, không một thông tin chuyến bay nào được lộ ra.
Trước khi phi công chiến đấu cơ F-16 tiết lộ thông tin hết nhiên liệu, lý do vì sao F-16 không khai hỏa, theo một cựu quan chức quân đội, là “một bí ẩn”. “Ít nhất 2 chiếc F-16 truy đuổi máy bay của Tổng thống Erdogan khi đang bay về Istanbul” – người này cho Reuters hay.
Chiến đấu cơ F-16 hết nhiên liệu khi đang làm nhiệm vụ truy sát ông Erdogan. Ảnh: Reuters
Theo thông tin mà phi công chiến đấu cơ tiết lộ với trang Yeni Safak, chiếc F-16 đã phát hiện ra máy bay của Tổng thống Erdogan trên radar nhưng không thể tiếp cận đủ gần để khai hỏa vì hết nguyên liệu và buộc phải chuyển hướng. Sự cố này khiến nhiệm vụ truy sát ông Erdogan thất bại.
Tuy nhiên, trước đó có thông tin máy bay chở ông Erdogan thoát nạn nhờ phi công "ẩn" dưới tín hiệu của một máy bay dân sự thông thường.
Cũng theo Yeni Safak, ông Erdogan thoát chết 2 lần chỉ trong đêm 15-7. Trước sự cố máy báy trên, ông Erdogan kịp rời khách sạn của khu nghỉ dưỡng Marmaris, tỉnh Muğla - Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chậm chân "ít phút", có lẽ ông đã mất mạng trong tay của nhóm binh sĩ đảo chính. Bản thân ông Erdogan cũng xác nhận với Reuters rằng binh lính đảo chính đã ném bom vào khu nghỉ dưỡng.
Ngoài Tổng thống Erdogan, Thủ tướng Binali Yildirim cũng là mục tiêu truy sát của quân đảo chính nhưng đã thoát nạn. Cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào hôm 15-7 và thất bại chỉ 1 ngày sau đó. Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính khiến 271 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.
Tổng thống Erdogan may mắn thoát chết 2 lần. Ảnh: AP
Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp gỡ bí mật để bàn về tương lai của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị Ankara tố đứng sau cuộc đảo chính và đang sống tại Mỹ.
Theo báo The Wall Street Journal, tại cuộc họp này, Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng ra các bằng chứng tố ông Gulen có liên quan đến cuộc đảo chính và yêu cầu Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ 75 tuổi.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định những bằng chứng trên chưa đủ sức thuyết phục. Chưa có quyết định nào được đưa ra và quá trình thảo luận có thể kéo dài nhiều tháng.
Theo Reuters, một tòa án ở Istanbul ngày 4-8 đã phát lệnh truy nã chính thức đối với giáo sĩ Gulen.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đó, bao gồm tổng thống và thủ tướng, liên tục công khai buộc tội ông Gulen. Và chính điều này khiến khả năng ông Gulen bị dẫn độ càng hạ thấp. Theo các quan chức Mỹ, những lời lẽ kết tội từ phía Ankara gây lo ngại về sự công bằng mà phiên tòa xử ông Gulen, nếu có, đạt được.
Bình luận (0)