Hơn 1.000 nhân viên an ninh được huy động để truy tìm 11 binh sĩ đảo chính trên các ngọn đồi xung quanh khu nghỉ mát Marmaris, ven biển Địa Trung Hải.
Đây là nhóm biệt kích đã tấn công khách sạn, nơi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan lưu trú tại thị trấn Marmaris, vào thời điểm cuộc đảo chính ở Ankara và Istanbul diễn ra hôm 15-7.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhóm biệt kích trên đã cố tấn công ông, ném bom các địa điểm ông trú ngụ một thời gian ngắn sau khi ông rời khỏi.
“Đó là một nỗ lực ám sát Tổng thống Erdogan, rất nghiêm trọng. Cuộc truy lùng đang diễn ra ở Marmaris và các vùng lân cận với khoảng 1.000 nhân viên an ninh. Nó sẽ không kết thúc cho đến khi các mục tiêu được tìm thấy” - một quan chức cấp cao Ankara nói với Reuters.
Theo tỉnh trưởng Mugla, ông Amir Cicek, lực lượng chính phủ đã thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược tại khu vực nông thôn xung quanh thị trấn Marmaris.
Tổng thống Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen (hiện sống lưu vong bên Mỹ) giật dây vụ đảo chính. Ông ra lệnh mở cuộc thanh trừng, bắt giữ và đình chỉ hoặc điều tra hơn 60.000 binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức... Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp 3 tháng cho phép ông ký ban hành luật mới mà không cần thông qua quốc hội.
Khoảng 120 tướng lãnh quân đội bị giam giữ kể từ khi âm mưu đảo chính thất bại, 100 người trong số đó đang chờ ngày hầu tòa. Ngoài ra, còn có vị tướng Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại Afghanistan đã bị bắt ở Dubai là Cahit Bakir và Sener Topuc.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu thông báo 2 đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị miễn nhiệm. Cựu thống đốc TP Istanbul Huseyin Avni Mutlu cũng bị bắt và bị khám nhà.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26-7 thành lập một ủy ban để điều tra âm mưu đảo chính với sự ủng hộ của tất cả các đảng phái chính trị trong nước. Ủy ban này sẽ xem xét cáo buộc phong trào Gulen (đặt tên theo giáo sĩ Fethullah Gulen) thâm nhập chính phủ và xúi giục đảo chính.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdağ cho biết nhiều nghi phạm đang bị nhà chức trách thẩm vấn. Qua đó, Ankara có thể nắm được nhiều thông tin về ảnh hưởng của phong trào Gulen.
Một cuộc thăm dò công bố hôm 26-7 của tổ chức Andy-Ar cho thấy gần 2/3 người dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng giáo sĩ Gulen đứng sau âm mưu đảo chính, 4% đổ lỗi cho Mỹ hoặc nước ngoài và 2% nói đó là nước cờ của Tổng thống Erdogan.
Bình luận (0)