Hãng thông tấn nhà nước Anadolu (Thỗ Nhĩ Kỳ) cho hay cáo buộc trên do Văn phòng Trưởng công tố Edirne soạn thảo và được Tòa hình sự Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, theo đó có nêu rõ CIA và FBI đã hỗ trợ đào tạo một số nội dung cho một nhóm người trung thành với Giáo sĩ Fethullah Gulen. Cáo buộc nêu rõ rằng nỗ lực đảo chính nhằm làm suy yếu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách loại bỏ hoàn toàn chính phủ.
Kể từ sau cuộc đảo chính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc Giáo sĩ Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đằng sau âm mưu đảo chính hôm 15-7, đồng thời thúc giục Mỹ dẫn độ người này về nước để xét xử. Tuy nhiên, Mỹ vẫn một mực khẳng định cần bằng chứng thuyết phục chứng minh giáo sĩ có liên quan tới vụ đảo chính vừa qua.
Liên quan đến Giáo sĩ Gulen, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết hơn 300 nhân viên của Bộ Ngoại giao nước này bị phát hiện là có liên quan tới nhân vật này. Theo ông Cavusoglu, hiện có 88 nhân viên của Bộ Ngoại giao bị đình chỉ chức vụ, gồm 2 đại sứ. Hiện tại, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục điều tra và truy lùng gắt gao những người có liên quan đến giáo sĩ Gulen trong bộ này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh các nhà ngoại giao câu kết với Giáo sĩ Gulen thâm nhập vào Bộ Ngoại giao những năm gần đây nhờ sự hỗ trợ của các nhà ngoại giao ủng hộ ông này tiết lộ câu hỏi trong kỳ thi đầu vào. Ông Cavusoglu còn nói rằng một nhân viên làm việc tại Lãnh sự quán Kazan đã trốn sang Nhật Bản trong bối cảnh điều tra về âm mưu đảo chính.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ truy tìm người bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính ở thị trấn Marmaris. Ảnh: REUTERS
Sau vụ đảo chính bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của mình. Đó là ý kiến của ông Erdogan được một quan chức quốc hội dẫn lại sau khi một cuộc họp kéo dài 5 giờ của Hội đồng quân sự tối cao (YAS) hôm 28-7. Mới đây, trong một bài phóng vấn với hãng tin Reuters, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ “thay máu” hoàn toàn quân đội.
Bình luận (0)