Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 14-2 đã hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Trong hàng loạt vấn đề được thảo luận, nổi cộm là tranh chấp biển đảo ở châu Á - Thái Bình Dương và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Tiếp xúc báo giới, ông Kerry cho biết cuộc gặp gỡ tại Đại Lễ đường Nhân dân mang tính xây dựng cao về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tương lai quan hệ Washington - Bắc Kinh. “Chúng tôi đã có cơ hội đào sâu một số thách thức liên quan đến Triều Tiên. Không một quốc gia nào có tiềm năng ảnh hưởng đến hành vi của Triều Tiên lớn hơn Trung Quốc” - ông Kerry nhấn mạnh.
Trước đó, ở Hàn Quốc ngày 13-2, ông Kerry thẳng thắn thừa nhận Mỹ cần dựa vào Trung Quốc để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên. Thế nhưng, sau vụ thanh trừng hàng ngũ lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, dư luận thế giới rất hoài nghi về mức độ ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc với láng giềng cũng như ý định sử dụng tầm ảnh hưởng này của Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
ngày 14-2 ở Bắc Kinh Ảnh: THX
Ngoại trưởng Kerry cũng hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị, người từng kêu gọi quan hệ Mỹ - Trung nên phản ánh nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Nhiều người cho rằng thực ra đây là cơ hội tốt để hạ nhiệt căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương khi chuyến thăm của ông Kerry rơi đúng vào thời điểm khó khăn giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo báo The Guardian, ông Kerry đang gánh trên vai nhiệm vụ kép có vẻ mâu thuẫn nhau: vừa kêu gọi Trung Quốc đưa Triều Tiên trở lại con đường giải trừ hạt nhân vừa can thiệp vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Báo China Daily đăng bài bình luận chặn trước: Trung Quốc chào đón ông Kerry song chuyến thăm sẽ không thể tăng cường quan hệ song phương trừ khi ông “có quan điểm đúng đắn” về cuộc tranh cãi chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông. Tân Hoa Xã cũng nhắc khéo ngoại trường Mỹ: Điều đúng đắn mà Bắc Kinh trông chờ Washington thực hiện lúc này không phải là đổ lỗi cho Trung Quốc mà là thúc ép Nhật Bản hủy bỏ các động thái gây hấn.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, phát biểu trước Ủy ban Ngân sách hạ viện Nhật Bản, Ngoại trưởng Fumiko Kisida không loại trừ khả năng cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào nước này trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa.
Cân nhắc hội nghị thượng đỉnh Trung - Đài
Tại cuộc gặp ở TP Nam Kinh hôm 13-2, các quan chức Trung Quốc và Đài Loan đã trao đổi về khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu dù chưa rõ mức độ khả thi.
Ông Vương Úc Kỳ, quan chức Đài Loan phụ trách về chính sách đối với Trung Quốc, cho biết ông và ông Trương Chí Quân, Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, đã nêu quan điểm về một cuộc gặp như thế nhưng không tiết lộ chi tiết. Theo một quan chức Đài Loan, hội nghị cấp cao APEC dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 10 tới có thể tạo bối cảnh phù hợp cho cuộc gặp trên.
Phương Võ
Bình luận (0)