Một nhóm quan chức Hàn Quốc ngày 8-3 đã lên đường đến Mỹ để thông báo với đồng minh hàng đầu về kết quả cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu tuần này.
Khởi đầu nổi bật
"Vấn đề cấp bách nhất là bảo đảm Mỹ và Triều Tiên đồng ý đối thoại" - ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc, nói với giới truyền thông trước khi cùng Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon lên máy bay tại sân bay Incheon ở thủ đô Seoul.
Hai quan chức này vừa trở về từ cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng. Đây được xem là lần đầu tiên ông Kim Jong-un gặp trực tiếp các quan chức Hàn Quốc kể từ khi nắm quyền năm 2011 và thái độ "thân thiện", những phản hồi "táo bạo và tích cực" của nhà lãnh đạo trẻ khiến phái đoàn từ Seoul không khỏi bất ngờ, theo tờ The New York Times.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gây ngạc nhiên tại buổi tiếp phái đoàn Hàn Quốc hôm 5-3 Ảnh: REUTERS
Trước thềm cuộc gặp kéo dài 4 giờ hôm 5-3 nêu trên, ông Kim chưa từng công du nước ngoài và chỉ mới tiếp các quan chức từ Trung Quốc, Cuba và Syria. Dù vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ gây ngạc nhiên khi chấp nhận các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn như một thực tế mà còn cho biết sẵn sàng khởi động đàm phán với Washington về việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông nói với các nhà ngoại giao Hàn Quốc rằng sẽ ngưng mọi cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo trong lúc tiến trình đàm phán diễn ra - theo thông tin được phía Seoul đưa ra.
Cuộc gặp trên dẫn đến kết quả đột phá khi hai bên nhất trí về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại khu vực phi quân sự chia cắt 2 miền trong tháng 4.
Câu giờ để hoàn thiện vũ khí?
"Đó là khởi đầu nổi bật của ông Kim trong ngoại giao quốc tế" - tờ The New York Times nhận định. Ông Bill Richardson, cựu thống đốc bang New Mexico - Mỹ, cũng cho rằng chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc mang đến cái nhìn mới về nhà lãnh đạo Triều Tiên: "Ông Kim Jong-un đã bị đánh giá thấp. Ông ta dường như đang chuyển mình thành một nhà tư duy chiến lược… và thiết lập chương trình nghị sự cho bất kỳ khả năng giảm căng thẳng nào trên bán đảo Triều Tiên".
Việc ông Kim đồng ý tiến hành đàm phán phi hạt nhân hóa không bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu dỡ bỏ kho vũ khí của mình. Nhà lãnh đạo này cho biết sẽ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy không còn có mối đe dọa quân sự nào. Những nỗ lực đàm phán trước đó đều sụp đổ vì cùng trở ngại này. Vì thế, giới chức Mỹ và một số nhà phân tích bày tỏ nỗi lo Triều Tiên tìm cách câu giờ để hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, đây còn có thể là chiêu thức nhằm giảm bớt sức ép trừng phạt và nguy cơ bị Mỹ tấn công quân sự.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng việc tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân giúp ông Kim Jong-un có được đòn bẩy lớn khi đối thoại với Washington và Seoul. "Ông ta ngày càng tự tin. Những gì xảy ra vài tháng qua cho thấy ông Kim Jong-un luôn chủ động vào những thời điểm quan trọng" - ông Koh Yu-hwan, chuyên gia tại Trường ĐH Dongguk (Hàn Quốc), nhận định.
Trong trường hợp đàm phán hạt nhân được nối lại, những gì được đưa ra thảo luận chắc chắn là điều được quan tâm hàng đầu. Theo Bloomberg, đóng vai trò quan trọng đối với thành bại của đàm phán là cần làm gì để Triều Tiên cảm thấy an ninh được bảo đảm và không còn mối đe dọa quân sự nhằm vào mình. Đòi hỏi của Bình Nhưỡng trước đây là Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc và hai đồng minh này chấm dứt hiệp ước an ninh.
"Nếu Triều Tiên lại xem đây là điều kiện để phi hạt nhân hóa, điều này cũng giống như họ nói không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân" - ông Go Myong-hyun, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), bình luận. Một nỗi lo khác là Bình Nhưỡng và Washington có thể không cùng quan điểm về phi hạt nhân hóa. Theo ông Koh Yu-hwan, Triều Tiên có thể muốn tìm kiếm "đối thoại cho sự cùng tồn tại trong hòa bình" nhưng điều này lại khác xa với "sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" mà Mỹ kỳ vọng.
Bình luận (0)