Cho đến khi qua đời vào ngày 18-8, vị cựu tổng thư ký LHQ người Ghana đã không thể mang lại hòa bình cho Syria, đồng thời để lại nhiều thất bại về mặt ngoại giao ở Rwanda, Bosnia, Darfur, Cyprus, Somalia và Iraq.
Ông Fred Eckhard, người phát ngôn của ông Kofi Annan trong thời gian ông làm tổng thư ký LHQ (giai đoạn 1997-2006), từng nói với Reuters: "Ông ấy bị thúc đẩy bởi ý tưởng không được nghĩ đến từ ‘Không’ và luôn tìm kiếm kết quả tốt nhất".
Ông Kofi Annan được biết đến với thành công trong việc ngăn chặn xung đột ở Kenya vào năm 2007 khi các phe đối thủ đổ lỗi cho tổng thống gây ra các vụ thảm sát khiến hơn 1.200 người chết.
Ông Kofi Annan đã cùng họ ở trong một căn phòng và tuyên bố: "Chỉ có một Kenya", đồng thời thuyết phục một người trong số họ chấp nhận chức vụ thủ tướng trong một chính phủ chung, qua đó kết thúc bạo lực.
Ông Kofi Annan. Ảnh: Reuters
Nhưng không phải lúc nào ông Kofi Annan cũng thành công trong vai trò hòa giải. Là người đứng đầu lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ hồi năm 1994, ông thừa nhận mình nên làm nhiều hơn để giúp ngăn chặn vụ thảm sát 800.000 người Tutsi và người Hutu ôn hòa ở Rwanda.
"Vào thời điểm đó, tôi tin rằng tôi đã làm hết sức mình" – ông Kofi Annan nói nhiều năm sau đó. "Nhưng sau vụ diệt chủng, tôi nghĩ mình có thể làm nhiều hơn và nên đưa ra cảnh báo cũng như huy động sự ủng hộ".
Những thất bại khác của ông Kofi Annan là ngăn chặn đổ máu ở vùng Darfur – Sudan, bê bối đổi dầu lấy lương thực và chiến tranh Iraq.
Vụ bê bối đổi dầu lấy lương thực nổ ra vào đầu năm 2004. Khi đó, Tổng thống Saddam Hussein bị tố gian lận trong chương trình trị giá 64 tỉ USD này, ra đời nhằm giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt quốc tế đối với người dân Iraq.
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi quân đội Iraq xâm lược Kuwait.
Một vài quan chức của LHQ bị cáo buộc làm giàu cho bản thân trong lúc toàn bộ cơ quan này bị đổ lỗi cho việc quản lý lỏng lẻo. Mặc dù sau đó ông Kofi Annan được xác định không làm gì sai, con trai của ông - Kojo - bị phát hiện sử dụng các mối liên hệ của LHQ để trục lợi.
Một trong những sự cố có lẽ khiến vị cựu tổng thư ký LHQ dằn vặt nhất là vụ đánh bom văn phòng LHQ tại thủ đô Baghdad – Iraq ngày 19-8-2003, giết chết 22 người. Vụ đánh bom này xảy ra sau khi ông Kofi Annan quyết định gửi nhân viên LHQ trở lại Iraq, trong đó phái viên Sergio Vieira de Mello thuộc số những người thiệt mạng.
Ông Kofi Annan cũng đứng đầu LHQ vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát Srebrenica năm 1995 ở Bosnia, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ không đủ sức ngăn chặn các vụ giết người.
Ông Kofi Annan là người gốc Ghana, sinh tại TP Kumasi vào ngày 8-4-1938. Ông là tổng thư ký thứ bảy của LHQ từ năm 1997-2006
Bình luận (0)