"Nếu là bạn với hai nước đang ở hai bên khác nhau này, đôi khi có thể phải hòa hợp với cả hai, đôi khi tình thế sẽ kỳ quặc hơn nếu bạn tìm cách để hòa hợp với cả hai"- ông Lý nói trong bài phát biểu bế mạc Thượng đỉnh ASEAN thường niên tại Singapore.
"Tôi cho rằng chúng ta không muốn phải chọn bên nào nhưng tình huống đó có thể tới khi ASEAN có thể phải chọn bên này hay bên kia. Tôi hy vọng điều đó sẽ không tới sớm"- Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Thượng đỉnh Đông Á tại Singapore ngày 15-11. Ảnh: Reuters
Phát biểu của ông Lý đã nêu bật lên cảm giác bất an sâu sắc trong khu vực, nơi đang ngày càng gia tăng lo ngại về việc mắc kẹt giữa cuộc đối đầu kinh tế và an ninh leo thang giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai cuộc thượng đỉnh cấp cao của châu Á tuần này – ASEAN và kế đó là APEC ở Papua New Guinea, đã làm dấy lên câu hỏi về vị trí của Mỹ trong khu vực giữa lúc đẩy mạnh gia tăng ảnh hưởng ở đây.
Tuy nhiên, thay mặt ông chủ Nhà Trắng tới dự sự kiện, Phó Tổng thống Mỹ Pence khẳng định Mỹ coi ASEAN là "một đối tác chiến lược không thể thay thế".
Đề cập tới sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở biển Đông, ông Pence nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng sự độc đoán và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Giữa lúc Phó Tổng thống Mỹ phát biểu tại thượng đỉnh ở Singapore, Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu sân bay Ronald Reagan và John C Stennis đang tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi Philippines để thể hiện sự cam kết của Mỹ với khu vực.
Bắc Kinh từ lâu đã gọi các hành động quân sự của Mỹ trong khu vực là đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực. Trong một động thái nhằm nỗ lực trấn an các nước láng giềng Đông Nam Á về sự gia tăng sức mạnh của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh cam kết hoàn thành một quy tắc ứng xử đối với vùng biển tranh chấp trong vòng 3 năm tới.
Ông Lý Khắc Cường cũng hối thúc các thành viên ASEAN cùng hợp tác để chống lại các chính sách thương mại của Mỹ và hoàn tất đàm phán đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN với 6 nước khác thuộc châu Á Thái Bình Dương.
Theo The South China Morning Post, Trung Quốc và Mỹ dự kiến tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea vào ngày 17-11, trong đó cả Phó Tổng thống Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sẽ phát biểu.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – người có lập trường mềm mỏng về biển Đông với Trung Quốc, cũng nói rằng việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông là rất quan trọng, nhằm ngăn chặn những hiểu lầm có thể dẫn tới xung đột.
"Trung Quốc ở đó. Thực tế là như vậy. Hành động quân sự cứng rắn sẽ vấp phải đáp trả từ Trung Quốc. Tôi không bận tâm mọi người rơi vào chiến tranh nhưng trừ khi Philippines nằm giữa cuộc chiến đó. Nếu nổ súng xảy ra ở đó, đất nước của chúng tôi sẽ phải chịu đựng đầu tiên"- ông Duterte nói.
Ông Lý Hiển Long – nhà lãnh đạo chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN năm nay, khẳng định ông tự tin RCEP có thể hoàn tất vào năm tới nhưng ông tỏ ra ít lạc quan hơn về việc giải quết tranh chấp ở biển Đông.
"Điều này phụ thuộc vào những vấn đề xảy ra. Tôi chắc chắn rằng các bên đều nỗ lực cao nhất để đi đến kết thúc. Nhưng tôi không hạ thấp tình trạng phức tạp và những khó khăn của vấn đề khi đi tới các chi tiết của quy tắc ứng xử (ở biển Đông)"- ông Lý nhấn mạnh.
Bình luận (0)