Hãng tin CNA (Đài Loan) trích lời phát ngôn viên Quốc dân Đảng (KMT) Chen Yi-hsin cho biết ông Mã Anh Cửu “sẽ không bám víu quyền lực và chắc chắn gánh trách nhiệm về sự thất bại của đảng cầm quyền”. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ trung ương KMT ngày 3-12 tới, ông Mã sẽ đưa ra thông báo chính thức.
Trước đó, phó Chủ tịch KMT Hau Lung-pin, thị trưởng đương nhiệm Đài Bắc, cũng từ chức khi để mất ghế thị trưởng vào tay ông Ko Wen-je (Kha Văn Triết), người được đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân tiến, DPP) đối lập hỗ trợ.
Sau khi ông Mã từ bỏ vị trí thủ lĩnh Quốc dân Đảng, ông Wu Den-Yih, cấp dưới của ông Mã sẽ tạm nắm quyền chủ tịch. Một cuộc bỏ phiếu sẽ được thực hiện trong vòng 3 tháng để bầu ra chủ tịch mới.
Điều hành KMT từ năm 2009, ông Mã, hiện 64 tuổi, chủ trương theo đường lối thân Trung Quốc và thất bại trong việc đưa nền kinh tế Đài Loan thoát khỏi tình trạng bất ổn cũng như không giải quyết vấn đề tăng lương bổng. Mức tín nhiệm của ông Mã đang xuống dưới mức 20%, có thời điểm dưới 10%.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (bìa phải) cúi đầu trong một cuộc họp báo sau khi Quốc dân Đảng (KMT)
bị đánh bại trong cuộc bầu cử địa phươngngày 29-11-2014. Ảnh: Reuters
Sau cuộc bầu cử địa phương các cấp hôm 29-11, Quốc dân Đảng chỉ nhận được sự ủng hộ tại 6/22 thành phố, mất thành trì quan trọng Đài Bắc và thành phố chiến lược Đài Trung. Còn DPP giành được 13 thành phố, trong khi 3 thành phố còn lại đứng trung lập.
Kết quả bầu cử thê thảm khiến người đứng đầu cơ quan lập pháp Đài Loan Giang Nghi Hoa đệ đơn xin từ chức, đồng thời buộc Quốc dân Đảng phải xem xét lại chính sách của mình đối với Trung Quốc.
Ngày 30-11, sau cuộc bỏ phiếu 1 ngày, mối quan hệ thân mật giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trở thành chủ đề thảo luận nóng giữa thời điểm người dân Đài Loan lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc lên hòn đảo.
Giáo sư Ding Shuh-fan đến từ Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định: “Nếu không muốn đối mặt với những trở ngại trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016, Quốc dân Đảng cần ngưng thúc đẩy các mối quan hệ với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, giáo sư Ding cho biết thêm Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và tạo lợi thế đàm phán về kinh tế cho các thành viên DPP nếu họ lên nắm quyền vào năm 2016. Do vậy, 2 bờ eo biển sẽ khó có được tiếng nói chung vào năm tới.
Bình luận (0)