Cử tri Đài Loan tham gia cuộc bầu cử cấp địa phương lớn nhất hôm 29-11, có thể xem là trưng cầu dân ý về chính sách của Quốc Dân đảng (KMT) cầm quyền đối với Trung Quốc.
Cuộc chiến quan trọng
Đây cũng là lần đầu tiên người dân Đài Loan bày tỏ quan điểm kể từ tháng 3-2014, khi hàng ngàn thanh niên chiếm trụ sở chính quyền nhằm phản đối một dự luật gia tăng thương mại với Trung Quốc, hãng tin Reuters nhận định.
Từ gần 20.000 ứng viên, người dân Đài Loan lựa chọn 11.130 vị trí lãnh đạo của tất cả các đơn vị hành chính (9 cấp). Cuộc chiến quan trọng nhất diễn ra tại Đài Bắc bởi bất kỳ chính trị gia nào muốn trở thành lãnh đạo Đài Loan cũng phải qua một thời gian nắm quyền tại thành phố này.
Nổi bật trong số 7 gương mặt chạy đua vào ghế thị trưởng Đài Bắc có ứng viên của Quốc Dân đảng Liên Văn Thắng (Sean Lien), con trai cựu lãnh đạo Đài Loan Liên Chấn vốn thân cận với Bắc Kinh và ứng cử viên độc lập Kha Văn Triết (Ko Wen-je), bác sĩ phẫu thuật 55 tuổi được đảng đối lập Dân chủ tiến bộ (Dân tiến, DPP) hậu thuẫn. Tối cùng ngày, hãng tin CNA (Đài Loan) đưa tin ông Liên thua cuộc.
Người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Giang Nghi Hoa tuyên bố từ chức sau khi đảng cầm quyền KMT nhận về kết quả bầu cử “thê thảm”. Theo Chủ tịch DPP Thái Anh Văn, đảng này giành được chỗ đứng 13/22 thành phố, quận, huyện của Đài Loan.
Lo ngại tái nhập
Niềm tin vào KMT lung lay sau cuộc biểu tình hồi tháng 3 và một loạt bê bối an toàn thực phẩm cũng như những lo ngại về bất bình đẳng xã hội.
Đảng này bị chỉ trích là quá thân thiết với Trung Quốc. Nhiều cử tri quan ngại việc KMT tiếp tục củng cố quan hệ với Bắc Kinh sẽ khiến Đài Loan bị phụ thuộc về kinh tế, thậm chí đứng trước áp lực tái thống nhất vào một ngày nào đó. “Cuộc bầu cử lần này sẽ ảnh hưởng nhiều đến triển vọng kinh tế của Đài Loan” - ông Lâm Quý Thành, một cử tri 60 tuổi, cho biết.
Dưới thời ông Mã Anh Cửu, Đài Loan thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc thông qua các hiệp định thương mại. Mối quan hệ tốt với Bắc Kinh góp phần khiến tỉ lệ ủng hộ ông Mã giảm xuống dưới 20%, theo một số khảo sát.
Thế nhưng, phe ủng hộ KMT cho rằng Đài Loan cần giữ quan hệ tốt với người láng giềng quyền lực và cũng là đối tác thương mại lớn nhất nhằm đẩy mạnh tăng trưởng cho nền kinh tế đang trì trệ. Những người này lo lắng một khi DPP giành chiến thắng, kinh tế Đài Loan lẫn quan hệ với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước đó, Bắc Kinh ra sức khuyến khích cộng đồng người Đài thân Trung Quốc đang sống ở đại lục về quê bỏ phiếu vì nhận thấy thành phần ủng hộ DPP có khả năng thắng thế. Thậm chí, giới chức Trung Quốc đã giảm một nửa giá vé máy bay cho những công dân Đài Loan trở về bầu cử.
“Chiến tranh du kích đường phố” ở Hồng Kông?
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn tin từ tờ Minh báo (Hồng Kông) cho rằng người biểu tình ở đặc khu sẽ chuyển sang hình thức “chiến tranh du kích đường phố”, thậm chí kêu gọi đấu tranh vũ trang nếu cần.
Trên mạng xã hội Facebook, fanpage mang tên “Nhóm ma quỷ Hồng Kông” đề nghị người biểu tình đội mũ bảo hiểm, lận lưng các vật dụng có thể chống lại cảnh sát và dùng vũ lực để tái chiếm khu Vượng Giác (Mong Kok). Trong khi đó, cảnh sát tuyên bố sẽ truy tìm thủ phạm gây kích động trên mạng xã hội và thắt chặt an ninh ở Vượng Giác thêm 2 tuần.
Sáng 29-11, tại Vượng Giác lại xảy ra đụng độ khi người biểu tình muốn giành lại nơi này. Cảnh sát mất bình tĩnh sau khi người biểu tình xướng nhạc lúc nửa đêm giữa tiếng còi báo động gầm rú. Đôi khi họ còn ném trứng, chai nước, các tấm gỗ về phía hàng rào an ninh, khiến một số cảnh sát bị thương và phải dùng dùi cui để ngăn cản đám đông.
Bình luận (0)