Dưới uy lực của Mohammed Morsi, các quan chức đã khiến những lời chỉ trích có tầm ảnh hưởng trên báo chí phải im bặt. Và, mặc dù là một lãnh đạo dân sự, ông đã tuyên bố tự mình chịu trách nhiệm những hoạt động quân sự chống các chiến binh ở bán đảo Sinai.
Hồi cuối tuần, ông Morsi đã cho về hưu bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội và giành lại quyền lực mà quân đội chiếm giữ vài ngày trước khi ông chính thức ngồi vào chiếc ghế tổng thống ngày 30-6. Với tất cả điều đó, vị tổng thống được bầu tự do đầu tiên của Ai Cập đã nắm trong tay mọi quyền hành chẳng khác gì quyền lực của người tiền nhiệm thất sủng Hosni Mubarak.
Nếu tình hình không được kiểm soát, sợ rằng ông Morsi và nhóm chính thống của ông - Anh em Hồi giáo - có thể theo đuổi mục tiêu chuyển đất nước Ả Rập đông dân nhất thành một nhà nước Hồi giáo trong một ngày nào đó.
Nhóm Anh em Hồi giáo đã chiến thắng cả cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sau cuộc nổi dậy hồi năm ngoái buộc ông Mubarak phải ra đi. Vấn đề hiện nay là liệu có bất cứ thể chế nào ở đất nước có thể giám sát quyền lực của ông Morsi và Anh em Hồi giáo đồng thời ngăn không cho họ tiếp quản các tổ chức của đất nước để củng cố cây gậy quyền lực của họ.
Ông Mohamed ElBaradei, cựu giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA), nhà lãnh đạo cải cách hàng đầu của Ai Cập, cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự vào đầu tuần này. Ông lưu ý rằng tổng thống đang nắm giữ quá nhiều quyền hành.
Bình luận (0)