Hãng tin Reuters trích dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho biết: "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương và thảo luận một loạt vấn đề an ninh, trong đó có tình trạng của ông Edward Snowden, và hợp tác chống khủng bố trước thềm thế vận hội mùa đông Sochi 2014".
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Snowden nói muốn xin tị nạn tạm thời ở Nga cho tới khi tìm ra cách tị nạn vĩnh viễn ở Nam Mỹ. “Tôi bị các chính phủ phương Tây ngăn không cho bay tới các nước Mỹ Latin đã đề nghị cho tôi tị nạn. Vì vậy, tôi đệ đơn yêu cầu được ở lại nước Nga cho đến khi các nước (phương Tây) làm theo pháp luật và tôi được phép đi lại một cách hợp pháp” - Snowden phát biểu trước các nhà hoạt động nhân quyền ở khu vực quá cảnh sân bay Sheremetievo (Moscow).
Snowden xuất hiện sau 3 tuần ẩn dật. Ảnh: Reuters
Tuyên bố này khiến Nhà Trắng giận dữ. Người phát ngôn Jay Carney nhấn mạnh: “Tạo cho Snowden một diễn đàn tuyên truyền là hành động đi ngược lại các tuyên bố trung lập trước đây của chính phủ Nga. Nó cũng mâu thuẫn với các cam kết của Moscow rằng họ không muốn Snowden làm tổn hại thêm các lợi ích của Mỹ”.
Trong khi đó, thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, lặp lại quan điểm của ông Putin: “Snowden có thể ở lại Nga, nhưng trước hết anh ta phải ngừng toàn bộ hành động gây tổn hại cho các đối tác Mỹ của chúng tôi, cũng như cho quan hệ Mỹ - Nga. Tiếp đó, anh ta phải tự đề nghị xin tị nạn”.
Luật sư nổi tiếng người Nga Genri Reznik cũng tham dự cuộc gặp tại sân bay Sheremetievo và cho hay Snowden đã cam kết “sẽ không gây tổn hại cho nước Mỹ”, đồng nghĩa với khả năng ở lại Nga cao hơn.
Lo ngại trước điều này, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo quan hệ Nga - Mỹ sẽ gặp những trở ngại nếu “kẻ phản bội Snowden” chính thức được tị nạn. “Nga vẫn còn cơ hội làm điều đúng đắn và trao trả Snowden cho Mỹ” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki kêu gọi.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Navi Pillay ủng hộ Snowden. Ảnh: Reuters
Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng về vụ việc. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Navi Pillay và các nhà lãnh đạo Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cùng quan điểm Snowden cần được bảo vệ khi dũng cảm vạch trần các hành động vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ.
“Hệ thống tư pháp các nước cần đảm bảo hành lang an toàn cho những cá nhân tiết lộ các vi phạm nhân quyền mà không phải lo sợ bị trả đũa. Tất cả các nước cần tôn trọng quyền quốc tế về xin tị nạn và chứng tỏ quyết tâm phù hợp với các cam kết quốc tế hợp pháp của họ” – bà Pillay nói, đồng thời chỉ trích các nước đã vội vàng bác đơn xin tị nạn của Snowden.
Bình luận (0)