Trong bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama về Syria đọc trước quốc dân Mỹ, ông tuyên bố rằng sáng kiến của Nga là kết quả có được từ “lời đe dọa hành động quân sự của Mỹ”. Sự thật, bài diễn văn không có chỗ cho lòng tin của tổng thống. Bên ngoài, ông Obama đã bị cô lập trong nhóm nước G-20 và bị một đồng minh gần gũi nhất là Anh rời bỏ. Bên trong, người dân Mỹ phản đối mạnh mẽ cuộc tấn công quân sự mà với nó, rõ ràng tổng thống không hào hứng gì.
Bài diễn văn của ông Obama chứa đựng mâu thuẫn. Tổng thống mong muốn xác nhận lại niềm tin của ông trong khi lại hứa hẹn một sự nhượng bộ có tính gượng gạo. Vì vậy, sự bắt đầu và kết thúc (của bài diễn văn) đã gây tranh cãi vì chủ đề “cuộc tấn công quân sự giới hạn” dựa trên lời hiệu triệu tinh thần biệt lệ Mỹ. Phần còn lại là sự giải thích vì sao một hành động như vậy sẽ không đến - và có thể không còn xuất hiện nữa. Đó là cuộc tấn công mà ông Obama không thể bào chữa, thậm chí với những thước phim video về những đứa trẻ bị nhiễm khí độc đã không thể được chứng minh là đúng qua những tin tức về một quá trình kiểm tra bị ngừng trệ và bỏ lửng.
Và một thông điệp không mong đợi của Mỹ được truyền đi: Bashar al-Assad từ chỗ bị coi là “người thất đức” trở thành đối tác thương thảo. Chẳng có thời hạn chót nào đặt ra cho chế độ Syria, không như đề nghị lúc đầu của Ngoại trưởng John Kerry. Không có bảng liệt kê các điều kiện cho một ý tưởng ngoại giao có ý nghĩa.
Chỉ có lời hứa về một tiến trình phụ thuộc quá nhiều vào thiện chí của 2 ông Putin và Assad, được thúc đẩy bằng những lời đe dọa quân sự của Mỹ đang trở nên ngày càng trống rỗng.
Vấn đề Syria trở nên rối rắm, theo báo The Washington Post, không phải vì chính quyền Obama giải quyết kém mà là do lý luận nghèo nàn. Ít nhất ở chỗ công khai, ông Obama gần như tập trung độc quyền vào việc nắm giữ các nguyên tắc chống vũ khí hóa học, bởi đây dường như là một sứ mệnh hẹp, có thể đạt được và không mơ hồ về đạo đức. Nhưng chính tình trạng hẹp của nó lại đặt ra những nguy cơ về đạo đức và chiến lược. Liệu có đúng về mặt đạo lý khi chỉ ném sự giận dữ vào những kẻ giết một ngàn dân thường bằng khí độc trong khi lờ đi tội thảm sát hàng chục ngàn thường dân bằng đạn pháo, máy bay trực thăng, bom và tên lửa Scud?
Dù sao cũng hy vọng một cuộc thương lượng giữa Mỹ với ông Putin, ông Assad và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria diễn ra thành công. Hơn ai hết, chính người dân Syria đang đau khổ vì nội chiến chờ đợi điều đó. Mà đâu phải họ chỉ trông mong chừng ấy!
Bình luận (0)