Ngày 8-11, các ngoại trưởng và bộ trưởng kinh tế của 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC lộ trình hướng tới thiết lập Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) “càng sớm càng tốt”.
Ông Obama nặng bước
Ngoài ra, họ cũng đồng ý khởi động nghiên cứu chiến lược cho khu vực này trong 2 năm tiếp theo. Đây là nội dung trong tuyên bố chung được công bố sau Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC ở Bắc Kinh hôm 8-11.
Các lãnh đạo APEC sẽ bàn về lộ trình này tại hội nghị cấp cao diễn ra ngày 10 và 11-11 ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Được đưa ra lần đầu vào năm 2006, Trung Quốc đang kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC cam kết thành lập FTAAP vào năm 2025.
Dưới con mắt của giới phân tích, đây là nỗ lực của Bắc Kinh để giành lấy vị trí thống trị thương mại toàn cầu trước nay vốn nằm trong tay Mỹ, mà trước mắt là đối phó với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoại trưởng John Kerry (giữa) tham dự một buổi tiệc tại APEC ngày 8-11. Ảnh: AP
Bên cạnh vấn đề thương mại, mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Mỹ Obama tại cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bên lề APEC sẽ là tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông.
Sau một loạt sự kiện như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, xung đột ở Ukraine cho tới dịch Ebola, ông Obama muốn thông qua hội nghị để khẳng định Washington vẫn theo sát châu Á.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định: “Tổng thống vẫn giữ cam kết mạnh mẽ về chiến lược tái cân bằng châu Á và điều này là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. An ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đang và sẽ tiếp tục giữ vững quyền lực ở khu vực này”.
Tuy nhiên, ông Ernest Bower, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đánh giá sau thất bại tại cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, chuyến đi này sẽ đầy khó khăn cho ông Obama.
Trung - Nhật tìm đường làm hòa
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các quan chức cấp cao nước này và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận 4 điểm, bao gồm việc công nhận “các lập trường khác nhau” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và thành lập một cơ chế quản lý khủng hoảng để ngăn chặn tình hình tồi tệ hơn.
Bước đột phá ngoại giao này có thể dẫn đến cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi 2 ông lên nắm quyền. “Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ tạo ra bầu không khí thiện chí trong cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo 2 nước” - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ngày 8-11.
Tuy nhiên, một bài bình luận cùng ngày trên Thời báo Hoàn cầu lại khẳng định chính quyền của ông Abe đã phải lùi bước trước quan điểm của Bắc Kinh.
“Nhật Bản đồng ý ngồi lại nói chuyện với Trung Quốc về kiểm soát khủng hoảng, tức thừa nhận có tranh chấp đối với chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Việc ông Abe cố gắng để được gặp lãnh đạo Trung Quốc cho thấy những lối hành xử của ông ta không thể tiếp tục” - tờ báo viết.
Thủ tướng Úc cứng rắn
Thủ tướng Úc Tony Abbott cam kết sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị APEC về vụ máy bay MH17 của Malaysia bị rơi ở miền Đông Ukraine, làm chết 298 người với 38 người Úc.
“Tôi sẽ nói vì cái chết của các nạn nhân, vì đất nước của chúng ta, vì sự công bằng và nhân loại. Nước Nga nợ gia đình những người thiệt mạng và nợ cả nhân loại (một lời giải thích)” - ông Abbott phát biểu trước báo giới tại TP Melbourne.
Cuộc gặp giữa 2 ông Abbott và Putin được sắp xếp vào ngày 11-11. Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, cho biết cuộc họp sẽ diễn ra trong “khoảng thời gian ngắn”.Phạm Nghĩa
Bình luận (0)