Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7-11 yêu cầu quốc hội bổ sung khoản ngân sách 3,2 tỉ USD để trang trải cho cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có các khoản chi huấn luyện và cung cấp vũ khí cho lực lượng Iraq.
Mật thư gây sóng gió
Yêu cầu này được đưa ra giữa lúc ông chủ Nhà Trắng hứng không ít chỉ trích vì bức thư gửi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham đêm 6-11 ra tuyên bố chung bày tỏ phẫn nộ trước việc “Tổng thống Obama viết thư hối thúc ông Khamenei tham gia chống IS trong lúc Nhà Trắng giả điếc trước lời cầu cứu khẩn thiết từ các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria”.
Đài Fox News dẫn nguồn tin quốc hội Mỹ gọi “mật thư” trên là hành động “hủy hoại tất cả”. Nguồn tin cũng lo ngại việc Tổng thống Obama đề nghị một nhà nước Hồi giáo của người Shiite hợp tác chống IS song song với một liên minh bao gồm hàng loạt quốc gia Ả Rập do người Sunni lãnh đạo.
Hiểu rõ rủi ro này, theo báo The Wall Street Journal, Nhà Trắng đã cố gắng giữ kín về bức thư với các đồng minh tại Trung Đông.
Trong bức thư gửi hồi giữa tháng trước, tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh sự hợp tác chỉ có được khi Tehran nhất trí thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1 - vốn bị đình trệ dù hạn chót vào ngày 24-11 sắp tới. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tránh trả lời thẳng khi bị chất vấn, thay vào đó ông nhấn mạnh “không thể đề cập thư riêng giữa tổng thống với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của thế giới”.
Sau khi được đăng tải đầu tiên trên tờ The Wall Street Journal, sự tồn tại của bức thư cũng được AP dẫn nguồn tin ngoại giao xác nhận. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, đây là lần thứ tư Tổng thống Obama gửi thư cho vị lãnh đạo tôn giáo quyền lực nhất Iran nhưng chưa có bức nào được hồi đáp.
Chính quyền Obama trước đó nhiều lần khẳng định không hợp tác quân sự cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Iran dù 2 nước đều đang có những nỗ lực riêng nhằm chống lại sự lộng hành của IS.
Chiến binh đi du thuyền
Trong khi đó, đài BBC hôm 7-11 dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Ronald Kenneth Noble cảnh báo các phần tử thánh chiến đang tìm cách tới các điểm nóng ở Trung Đông như Iraq và Syria bằng tàu, thuyền du lịch sau khi đường hàng không bị kiểm soát chặt chẽ.
Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến được lựa chọn do ở sát Syria. Theo ông Noble, hình thức di chuyển này mới bùng phát trong khoảng 3 tháng trở lại đây và cho rằng phải thắt chặt kiểm soát trước khi quá trễ.
Đối mặt mối đe dọa của IS, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng, tới biên giới với Syria.
Ngoài ra, hãng tin RIA Novosti hôm 6-11 đưa tin Syria yêu cầu Nga cung cấp vũ khí chất lượng cao vì e ngại Mỹ can thiệp sâu hơn vào nước này sau khi Đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng như lo ngại sự xâm lấn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, những ngày gần đây, Mỹ không ngừng không kích các khu vực của nhóm khủng bố Khorasan ở Syria. Cuộc không kích đêm 5-11 gần Idlib đã tiêu diệt David Drugeon - tay súng thánh chiến người Pháp được cho là chuyên gia chế bom của Khorasan. Washington khẳng định Khorasan đang lên kế hoạch tấn công châu Âu và Mỹ.
Lính Mỹ “phơi nhiễm chất độc hóa học”
Hơn 600 quân nhân Mỹ tin rằng mình đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong cuộc chiến ở Iraq từ năm 2003, cao hơn nhiều so với con số mà Lầu Năm Góc nêu trước đó.
Theo tiết lộ của báo The New York Times, sau khi chiếm đóng Iraq, quân đội Mỹ không phát hiện ra bất kỳ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt nào nhưng lại tìm thấy một kho hóa chất cũ. Binh sĩ Mỹ khi đó không được huấn luyện hoặc trang bị đầy đủ để xử lý tình huống này. Theo tờ báo, ban đầu có 17 binh sĩ Mỹ bị thương vì chất độc sarin hay mù tạt lưu huỳnh ở Iraq. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra mới được tiến hành theo lệnh Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã phát hiện hàng trăm binh sĩ từng báo cáo họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Ông Hagel ngay lập tức ra lệnh tiến hành các cuộc kiểm tra y tế mới dành cho binh sĩ và cựu chiến binh, đồng thời lập đường dây nóng cho người nghi bị phơi nhiễm gọi đến yêu cầu điều trị.
Xuân Mai
Bình luận (0)