"Lời đề nghị từ Trung Quốc không phải lúc nào cũng vì lợi ích cho công dân của các vị" - trích lời ông Pompeo nói với các phóng viên vào ngày 18-10 sau cuộc họp với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Được biết, trong chuyến thăm 2 ngày ở Mỹ Latin, ông Pompeo đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu ở Panama và Mexico.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ hoan nghênh "sự đầu tư hợp lý, minh bạch và tuân thủ luật pháp vì đó mới gọi là cạnh tranh". Ngược lại, Washington sẽ phản đối nếu "các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước xuất hiện theo cách không minh bạch, không hướng đến thị trường và mang lại lợi ích cho chính phủ Trung Quốc thay vì người dân Panama".
Ông Pompeo không tiết lộ Tổng thống Varela phản ứng như thế nào trước lời cảnh báo của Mỹ. Trước đó, các quan chức Panama đã hào hứng thông báo về việc nước này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: EFE-EPA
Phát biểu của ông Pompeo được đưa ra trong giai đoạn những công ty đầu tư nước ngoài của Washington đang chủ động cạnh tranh với Trung Quốc để tài trợ cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Panama. Thông tin này đã được chủ tịch và tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) Ray Washburne xác nhận.
Mới đây, Trung Quốc đã kỷ niệm 5 năm ngày tiến hành BRI, một chiến lược được dùng để đưa tiền của chính phủ Trung Quốc vào các dự án phát triển hạ tầng khắp châu Á và xa hơn nữa. Ban đầu, chiến lược này bao gồm một "vành đai" ở phía Tây đất liền đi qua Trung Á đến châu Âu và một "con đường" trên biển đi qua Đông Nam Á đến bờ Đông châu Phi.
Tuy nhiên, phạm vi của BRI đã vượt xa 2 con đường này khi trang web vành đai và con đường của chính phủ Trung Quốc liệt kê 118 nước đã ký thỏa thuận hợp tác. Panama, đất nước có dân số bằng một thành phố nhỏ của Trung Quốc, trở thành nước Mỹ Latin đầu tiên ký kết về BRI vào năm 2017, một thời gian ngắn sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ với đại lục.
Những người chỉ trích BRI cho biết chiến lược này trói buộc người nhận bằng một khoản nợ lớn, có nguy cơ khiến chính phủ các nước mặc định và nhượng quyền sở hữu các dự án phát triển cho Trung Quốc.
Hồi đầu năm 2018, Trung tâm Phát triển Toàn cầu tiết lộ có 8 nước ký kết BRI có nguy cơ mắc nợ cao. Họ kêu gọi Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn cho vay quốc tế và cải thiện thủ tục vay nợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước tiến hành dự án BRI cũng bị chỉ trích vì không sử dụng lực lượng lao động địa phương, không quan tâm đến các vấn đề môi trường và tham nhũng.
Bình luận (0)