Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra tròn 1 năm mà chưa có dấu hiệu chấm dứt trong lúc số người thiệt mạng ngày càng tăng. Lệnh ngừng bắn được đưa ra song lại bị phá vỡ sau đó. Nga bị cáo buộc trang bị vũ khí cho phiến quân ly khai ở miền Đông trong khi Mỹ có ý định cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev.
Báo Anh Telegraph dẫn lời ông Tony Brenton, từng làm Đại sứ Anh tại Nga giai đoạn 2004-2008 cho rằng động thái này sẽ dẫn đến nhiều đụng độ trực tiếp hơn giữa Nga và phương Tây.
Chính quan ngại đó đã thúc giục Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande cất công đến Moscow để thương thảo. Dẫu ngờ vực phương Tây nhưng ông Putin không phải là một người thích mạo hiểm và cẩn trọng trong mọi tình huống.
Theo cựu đại sứ Anh, sẽ không dễ để Moscow thoát ra khỏi mớ hỗn độn ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin sẽ không để Ukraine từ bỏ vị thế trung lập và gia nhập NATO. Nhà lãnh đạo Nga cũng không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào bị xem là có hại cho những lợi ích quan trọng của đất nước bất chấp sức ép kinh tế ngày một gia tăng. Mặt khác, ông Putin không muốn chiến tranh và muốn cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đè nặng lên nền kinh tế đất nước.
Nhật định về nhà lãnh đạo Nga, cựu đại sứ Anh nói trên cho biết ông cảm nhận được 2 đức tính song hành trong con người ông Putin: lòng trung thành và sự không thương xót.
“Tôi đã nhìn thấy Tổng thống Putin chỉnh sửa các bộ trưởng Anh về các chi tiết của thị trường khí đốt Anh và làm sửng sốt các quan chức tình báo nước này khi vạch rõ những chính sách chống khủng bố của nước chúng tôi” – ông Tony Brenton nói. Xuất hiện trước công chúng, sự thấu cảm không phải là điểm mạnh của ông Putin. Có lẽ vì điều đó mà một báo cáo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi năm 2008 cho rằng ông Putin mắc hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ).
Bình luận (0)