Tòa án TP Phnom Penh - Campuchia hôm 27-12 kết án ông Sam Rainsy, thủ lĩnh Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, 5 năm tù vì tội kích động, gây bất ổn tại nước này thông qua việc đăng tải các tài liệu giả mạo trên mạng xã hội Facebook.
Hai thành viên trong nhóm truyền thông xã hội của ông Rainsy - Ung Chung Leang và Sathya Sambath - cũng bị kết án 3 năm tù. Ba người này bị kết tội cho đăng hiệp ước giả lên mạng xã hội Facebook, trong đó có nội dung Việt Nam và Campuchia nhất trí xóa bỏ biên giới chung. Những cáo buộc này liên quan đến một video đăng trên trang Facebook của ông Rainsy, trong đó thượng nghị sĩ đối lập Hong Sok Hour trưng ra hiệp ước giả nói trên. Ông Hong bị bắt hôm 15-8-2015 và bị kết án 7 năm tù hôm 7-11-2016 vì tội làm giả hiệp ước biên giới, sử dụng hiệp ước giả và gây bất ổn cho xã hội. Ông này đang thụ án tại nhà tù Prey Sar Prison ở ngoại ô Phnom Penh.
Thẩm phán Leang Samnath cho biết tòa án đã ra lệnh bắt Ung Chung Leang, Sathya Sambath và Sam Rainsy để thụ án. Ông Rainsy sống lưu vong ở Pháp từ tháng 11-2015 để tránh bị ngồi tù trong một vụ án phỉ báng mà ông này cho là mang động cơ chính trị. Trong khi đó, CNRP nói họ không có thông tin về nơi ở hiện nay của Ung Chung Leang và Sathya Sambath. Tuy nhiên, có thông tin 2 nhân vật này đã chạy sang Pháp hồi tháng 8 qua để tránh bị bắt.
Đây không phải là lần đầu ông Rainsy gặp rắc rối pháp lý ở Campuchia. Hồi tháng 11 qua, Tòa án TP Phnom Penh buộc ông Sam Rainsy phải nộp phạt 2.500 USD và phải bồi thường thiệt hại tinh thần 3.750 USD cho ông Som Soeun, Bộ trưởng Phụ trách hình ảnh trực tuyến của Thủ tướng Hun Sen. Vụ việc xuất phát từ bình luận của Rainsy, theo đó cáo buộc ông Hun Sen “mua like” trên Facebook để nâng cao uy tín.
Trước đó 4 tháng, Sam Rainsy bị kết tội phỉ báng Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin trong một bài viết đăng trên Facebook. Dù không bị lãnh án tù, ông này bị buộc nộp phạt 2.500 USD và bồi thường 37.200 USD cho bên nguyên. Nghiêm trọng nhất là vụ ông này bị kết án 2 năm tù năm 2011 vì tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong 3 năm trước đó.
Trong một diễn biến đáng chú ý, nhà chức trách Campuchia hồi tháng 10 ra lệnh các cơ quan chức năng ngăn chặn ông Rainsy quay trở lại đất nước bằng đường bộ, đường hàng không hay đường biển… Báo The Cambodia Daily dẫn bình luận của giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng việc để ông Rainsy trở về và tống giam ông ta có thể châm ngòi cho làn sóng biểu tình. Đáp lại, chính khách gây tranh cãi này tuyên bố sẽ tìm cách quay về nước trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 7-2018. Trong cuộc bầu cử năm 2013, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen giành được 68/123 ghế trong Quốc hội, trong khi CNRP giành được 55 ghế.
Phán quyết mới nhất nói trên có thể khiến cuộc đối đầu giữa CNRP và CPP nóng trở lại. Tình hình Phnom Penh căng thẳng trong phần lớn năm 2016 do vụ Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha từ chối ra tòa làm chứng trong một vụ bê bối tình dục. Ông này sau đó đã ẩn náu trong trụ sở đảng đến hơn nửa năm nhằm tránh bị bắt. Đến đầu tháng 12, ông Sokha trở lại Quốc hội sau khi được hoàng gia ân xá theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, động thái được kỳ vọng giúp giảm căng thẳng chính trị kéo dài thời gian qua.
Bình luận (0)