Theo RT, ông Trump còn tuyên bố sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước sau 90 ngày thực thi lệnh cấm gây tranh cãi nói trên khi các chính sách an ninh mới được thực hiện. Vị tân tổng thống Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc nói rằng sắc lệnh của ông là một “lệnh cấm đạo Hồi”.
“Đây không phải là lệnh cấm đạo Hồi như truyền thông đưa tin sai trái. Đây không phải vì vấn đề tôn giáo – đây là vấn đề khủng bố và bảo vệ nước Mỹ. 40 quốc gia khác trên thế giới có phần đông người theo đạo Hồi nhưng không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này” – ông Trump cho biết trong một tuyên bố, đồng thời khẳng định “sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước khi đã xem xét và thực hiện các chính sách an ninh mới trong 90 ngày tới”.
Ông Trump khẳng định sắc lệnh cấm nhập cư của ông không phải "lệnh cấm đạo Hồi". Ảnh: Reuters
Bảy quốc gia có phần đông người theo đạo Hồi bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông Trump bao gồm: Syria, Iraq, Sudan, Libya, Somalia, Yemen và Iran. Ông Trump sau đó nói rằng cựu Tổng thống Obama cũng từng đưa ra lệnh cấm tương tự và 7 quốc gia nói trên cũng từng bị “ghim” dưới thời ông Obama. “Chính sách của tôi cũng giống với điều mà Tổng thống Obama từng làm vào năm 2011 khi cấm người tị nạn từ Iraq đến Mỹ trong 6 tháng. Bảy quốc gia có tên trong sắc lệnh của tôi chính là những quốc gia được chính quyền Tổng thống Obama xác định là nguy cơ khủng bố” – ông Trump giải thích.
Trước đó cùng ngày, ông Trump thông qua mạng xã hội Twitter đáp trả chỉ trích của Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham nói rằng sắc lệnh của ông Trump “có thể giúp việc tuyển dụng khủng bố nhiều hơn là cải thiện an ninh quốc gia”. “Cựu ứng viên tranh cử tổng thống John McCain & Lindsey Graham đã sai. Thật buồn vì cả hai người này yếu kém về vấn đề nhập cư. Những nghị sĩ nên dành tâm sức vào vấn đề ISIS, nhập cư trái phép và an ninh biên giới thay vì lúc nào cũng tìm cách phát động Thế chiến III” – ông Trump tuyên bố.
Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: Reuters
Ở một diễn biến khác, theo thông tin được Guardian đăng tải hôm 29-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “giải thích” Công ước Gevena về vấn đề tị nạn cho Tổng thống Trump qua cuộc điện đàm một ngày trước đó. “Công ước Gevena về vấn đề tị nạn yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp nhận người tị nạn chiến tranh vì vấn đề nhân đạo. Tất cả quốc gia đã ký kết phải thực hiện công ước này. Chính phủ Đức đã giải thích chính sách này trong cuộc điện đàm hôm qua” - Steffen Seibert, người phát ngôn của bà Merkel, cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi phần đông cộng đồng quốc tế chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump, Úc khẳng định sẽ ủng hộ “các chính sách cứng rắn về nhập cư và bảo vệ biên giới” của ông Trump, Smh đưa tin ngày 30-1.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. Ảnh: Guardian
“Tôi tin rằng chính phủ Úc và Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nhau để đảm bảo rằng cả hai có thể thực thi được những chính sách cứng rắn về nhập cư và bảo vệ biên giới” – Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu tại TP Los Angeles – Mỹ.
Bình luận (0)