Tuy vậy, cơ quan này được cho là sẽ sớm nhận được kiến nghị kiểm phiếu lại từ bà Jill Stein trước hạn chót 30-11 sau khi nữ ứng viên tổng thống của Đảng Xanh đã đệ đơn kiến nghị kiểm phiếu lại ở 2 bang chiến trường khác là Wisconsin và Pennsylvania lần lượt vào ngày 26 và 28-11.
Theo báo The New York Times, hơn bà Hillary Clinton vỏn vẹn 10.704 phiếu bầu - chỉ tương đương 0,2% trên tổng số 4,8 triệu phiếu bầu ở Michigan, mức chênh lệch sít sao nhất trong vòng hơn 75 năm qua ở Michigan - ông Trump đã nâng tổng số phiếu đại cử tri lên 306 trong khi nữ ứng viên Đảng Dân chủ có 232 phiếu. Ở Wisconsin, ông Trump hơn bà Clinton 22.177 phiếu (0,7%), ở Pennsylvania là 71.313 (1,2%).
Theo BBC, số tiền đổ vào chương trình gây quỹ để kiểm phiếu lại của bà Stein đã gần đạt mục tiêu 7 triệu USD, cho thấy rất nhiều người ủng hộ bà Clinton vẫn vững vàng trên mặt trận phản đối kết quả bầu cử. Để nữ ứng viên Dân chủ thắng cử, đòi hỏi phải đảo ngược hơn 100.000 phiếu ở cả 3 bang nói trên (nắm giữ tổng cộng 46 phiếu đại cử tri). Khi đó, bà Clinton sẽ có 278 phiếu đại cử tri so với 260 phiếu của ông Trump. Một cái kết như vậy có vẻ quá xa vời khi đặt con số 100.000 nói trên bên cạnh trung bình số phiếu thay đổi kết quả giữa 2 ứng viên hàng đầu trong các cuộc kiểm phiếu lại từ năm 2000-2015 (chỉ vào khoảng 219 phiếu).
Theo nhóm nghiên cứu FairVote, kiểm phiếu lại chỉ được thực hiện đối với 27 trong tổng số 4.687 điểm bầu cử ở Mỹ từ năm 2000-2015. Chỉ có 3 điểm bầu cử trong số đó thay đổi kết quả cuối cùng.
Cáo buộc hàng triệu cử tri gian lận phiếu bầu là phản ứng thiếu sáng suốt của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump Ảnh: REUTERS
Thậm chí, chính bà Stein cũng thừa nhận việc kiểm phiếu lại dường như không thể thay đổi kết quả cuối cùng song bà tuyên bố “những bất thường về số liệu gây lo ngại” đòi hỏi phải làm minh bạch. Giới quan sát cho rằng chính vì cuộc kiểm phiếu lại dường như không thể đe dọa chiến thắng của ông Trump nên phản ứng nóng nảy của vị tổng thống đắc cử - bằng “trận bão” trên Twitter và những cáo buộc hàng triệu cử tri gian lận phiếu bầu bên phía bà Clinton nên ông mới “thua phiếu phổ thông” - lại vô tình tạo cơ sở cho cuộc kiểm phiếu lại mà ông phản đối gay gắt.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest hôm 27-11 khẳng định cáo buộc của ông Trump là hoàn toàn vô căn cứ. Theo GS Joshua A. Douglas từ Trường ĐH Luật Kentucky, tốt nhất nên chấm dứt mọi chuyện ở kết quả ông Trump thắng cử và bà Clinton thắng phiếu phổ thông. Vị giáo sư cho rằng những cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ chỉ gây chú ý không cần thiết trong khi nỗ lực kiểm phiếu lại vô vọng. Theo ông, nó khiến mọi người tin rằng có sai sót trong khi không có bằng chứng cũng như không có cơ hội thay đổi kết quả.
Bình luận (0)