Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đứng đầu là Ả Rập Saudi, cùng với Nga (quốc gia sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC) hôm 23-9 đã bác bỏ chuyện tăng thêm sản lượng dầu thô tức thì.
Thách thức Mỹ
Đây được xem là động thái nói không với lời kêu gọi hạ nhiệt thị trường đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc họp giữa các thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu thô bên ngoài OEPC tại Algeria.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhấn mạnh không cần thiết tăng sản lượng ngay lúc này dù tin rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đang tạo ra những thách thức mới đối với thị trường dầu.
"Nhu cầu dầu sẽ giảm sút trong quý IV năm nay và quý I năm tới. Vì thế, chúng tôi quyết định duy trì thỏa thuận hồi tháng 6" - ông Novak nhấn mạnh. Tương tự, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih tuyên bố sẽ không có chuyện Riyadh tác động lên giá dầu vào thời điểm này.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tiếp xúc với báo giới tại Algiers - Algeria hôm 23-9 Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh giá dầu Brent đạt mức 80 USD/thùng trong tháng này, ông Trump hôm 20-9 tiếp tục thúc giục OPEC có bước đi hạ giá dầu.
"Chúng ta bảo vệ các nước Trung Đông, họ sẽ không được an toàn lâu dài nếu thiếu chúng ta. Thế nhưng, họ tiếp tục đẩy giá dầu ngày càng cao lên. OPEC phải kéo giá xuống" - ông Trump phàn nàn trên trang Twitter. Tổng thống Mỹ có lý do để lo ngại bởi giá xăng tăng cao ở Mỹ có thể tạo ra cơn đau đầu chính trị trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Đáp lại, Bộ trưởng Dầu Iran Bijan Zanganeh hôm 23-9 nhận định dòng Tweet trên của ông Trump là sự xúc phạm lớn nhất đối với các đồng minh của Washington ở Trung Đông. Lâu nay Iran vẫn cáo buộc ông Trump đã gây ra tình trạng tăng giá dầu qua hành vi áp đặt lệnh trừng phạt Tehran và chỉ trích Ả Rập Saudi cúi đầu trước sức ép của Mỹ.
Cung sẽ vượt cầu?
Bộ trưởng Falih thừa nhận Ả Rập Saudi vẫn còn có khả năng tăng sản lượng nhưng động thái này chưa cần thiết lúc này và có thể là cả vào năm tới. Theo báo cáo mới của OPEC, việc các nước bên ngoài tăng sản lượng có thể khiến nguồn cung vượt cầu trên toàn cầu.
Cụ thể, nguồn cung ngoài OPEC từ các quốc gia do Mỹ đứng đầu sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2019 trong khi nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ chỉ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, bản báo cáo cũng dự báo OPEC sẽ mất thị phần thêm nữa khi dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng trưởng đến năm 2023.
Ngay sau khi OPEC và các đồng minh khẳng định chưa cần tăng sản lượng bất chấp sức ép từ Mỹ, giá dầu thô Brent đã vọt lên trên 80 USD/thùng. Theo hãng tin Bloomberg, có chuyên gia dự báo mức giá này có thể tăng lên đến 100 USD/thùng trong quý IV/2018 trong bối cảnh thị trường đối mặt nguy cơ mất nguồn cung từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Dầu đã tăng giá không ngừng kể từ tháng 8 năm nay giữa lúc có những suy đoán xem liệu OPEC và các đồng minh có quyết định tăng sản lượng hay không khi lệnh trừng phạt Iran dự kiến có hiệu lực từ tháng 11.
Tại cuộc họp nói trên, Iran dường như có lập trường mềm mỏng hơn về chuyện tăng sản lượng dầu của OPEC. Ông Hossein Kazempour Ardebili, đại diện của Iran tại OPEC, cho rằng OPEC phải có trách nhiệm cân bằng thị trường nếu như sản lượng khai thác của Iran hoặc bất cứ quốc gia thành viên nào khác sụt giảm.
Trước đây, Tehran từng tuyên bố không một thành viên nào của OPEC được phép chiếm thị phần của thành viên khác, chẳng hạn như Venezuela hoặc Libya, những quốc gia đang chứng kiến sản lượng dầu khai thác sụt giảm do bất ổn hoặc tình trạng thiếu đầu tư.
Bình luận (0)