Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari thông báo: "Hợp đồng điều hành cảng Gwadar đã chính thức được trao cho Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ tạo ra những động lực mới cho quan hệ Pakistan - Trung Quốc”.
Theo thỏa thuận, cảng Gwadar vẫn là tài sản của Pakistan song công ty OPHL được chia sẻ lợi nhuận từ việc điều hành hoạt động. Việc chuyển giao trên cho thấy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Pakistan và Trung Quốc.
Cảng Gwadar có thể tiếp thêm sức mạnh cho Trung Quốc ở khu vực Tây Á và Trung Đông. Ảnh: Reuters
Từ cảng Gwadar, Bắc Kinh có thể thiết lập một căn cứ hải quân tiềm tàng trên biển Ả Rập, đe dọa tuyến đường vận chuyển năng lượng trên biển cũng như các hoạt động hàng hải khác của Ấn Độ.
New Delhi còn lo lắng bởi Gwadar sẽ được thêm vào “chuỗi ngọc trai” bao gồm các cảng do Trung Quốc xây dựng và điều hành tại các nước láng giềng của Ấn Độ như Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Bangladesh)… Hôm 6-2, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony khẳng định việc Bắc Kinh tiếp nhận cảng Gwadar là “vấn đề đáng lo ngại”.
Ngoài ra, các nước Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), thậm chí là Mỹ, cũng không vui vẻ gì vì cảng Gwadar tọa lạc rất gần eo biển Hormuz chiến lược, tạo điều kiện cho Trung Quốc can thiệp vào một trong những tuyến thương mại hàng hải hàng đầu thế giới.
Về mặt kinh tế, Gwadar có tầm quan trọng chiến lược vì khoảng 60% lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ các nước Vùng Vịnh đi qua khu vực gần cảng Gwadar. Quản lý được Gwadar, Trung Quốc có thể phát triển hành lang thương mại nối khu tự trị Tân Cương qua Trung Đông và rút ngắn hàng ngàn km vận chuyển dầu khí nhập từ châu Phi và Trung Đông.
Trung Quốc có mối quan hệ sâu xa với cảng Gwadar. Khoảng 10 năm trước, nước này đã chi 75% trong số 250 triệu USD đầu tư ban đầu để xây cảng Gwadar nhưng Cục cảng Sinhgapore (PSA) lại giành được quyền điều hành trong thời gian 40 năm vào năm 2007.
Đến ngày 30-1 vừa qua, chính phủ Pakistan phê chuẩn việc chuyển giao Gwadar cho OPHL sau khi PSA rút lui vì kinh doanh không hiệu quả, hạ tầng không đảm bảo.
Bình luận (0)