Theo lời một số quan chức Mỹ, động cơ của nữ nghi phạm 27 tuổi tham gia vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng hôm 2-12 ở California đã phần nào được hé lộ cùng với nguyên nhân cô ta thề trung thành với IS. Quá trình điều tra tìm kiếm manh mối được mở rộng sang Pakistan và Ả Rập Saudi đã giúp các điều tra viên của Mỹ có thể xâu chuỗi những động cơ khiến Malik và chồng dám bỏ lại mẹ già và con thơ để cùng thực hiện vụ xả súng giết người.
Tashfeen Malik (phải) và chồng Farook đã bị cảnh sát tiêu diệt sau vụ xả súng hôm 2-12 ở San Bernardino, California. Ảnh: NBC
Hai quan chức Pakistan cho hay Malik quê ở Karor Lal Esan, một thành phố ở bờ Tây sông Indus phía Nam tỉnh Punjab. 25 năm trước, Tashfeen Malik, khi còn là một đứa trẻ, đã cùng cha mình là ông Gulzar, một kỹ sư, di cư sang Ả Rập Saudi. Khoảng 5-6 năm trước, Malik đã trở về quê hương Punjab để học ngành dược tại trường Đại học Bahauddin Zakariya ở quận Multan với mong muốn trở thành dược sĩ.
Cựu đại sứ Pakistan ở Mỹ Husain Haqqani cho biết khu vực tỉnh Punjab nơi Malik đã sống những năm đầu đời và đi học đại học vốn là “đất tuyển mộ” của những nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaeda. Trong số những nhóm quân sự này có cả Lashkar-e-Taiba, tổ chức bị cho là đã thực hiện vụ đánh bom tháng 11-2008 tại Mumbai - Ấn Độ.
Theo một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ả Rập Saudi, trong thời gian sống tại nước này, Malik không có biểu hiện liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan và không có tên trong bất kỳ danh sách theo dõi tình báo nào của Ả Rập Saudi.
Theo lời ông Javed Rabbani (chú của Tashfeen Malik), ông Gulzar- cha của nữ nghi phạm, đã trở nên sùng tín, bảo thủ hơn từ khi sang sống tại Ả Rập Saudi. Ông kể trong khi trả lời phỏng vấn của Reuters: “Anh trai chúng tôi đã thay đổi rất nhiều từ khi sang đó. Họ hàng đến thăm anh Gulzar khi quay về đều kể về sự bảo thủ và khó chịu của anh ấy”. Rabbani đã cung cấp những thông tin này khi được tình báo Pakistan liên hệ để điều tra vụ xả súng ở San Bernardino, California.
Malik Anwaar, một người chú khác của Tashfeen Malik kể rằng ông Gulzar đã xây một ngôi nhà ở Multan để ở mỗi khi về lại Pakistan. Nhưng một thời gian trước, ông Gulzar đã có tranh chấp với những thành viên còn lại trong gia đình quanh việc giành quyền sở hữu căn nhà và những vấn đề khác.
Tashfeen Malik còn có 2 anh em trai, 2 chị em gái và cũng có liên hệ với cựu tỉnh trưởng Ahmed Ali Aulak.
Hiện chưa rõ Tashfeen Malik và người chồng Farook đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào, nhưng họ đã cưới nhau được 2 năm. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nói rằng Malik đã vào Mỹ bằng visa cấp tháng 7-2014 và có hộ chiếu Pakistan.
Trong khi người chồng Farook hoạt động công khai hơn trên mạng xã hội, Malik lại khó theo dõi hơn. Theo một phát ngôn viên của tập đoàn Facebook, một tài khoản Facebook cũ do Malik tạo ra đã từng bị công ty Facebook gỡ bỏ vì vi phạm những tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, cụ thể là quy định “cấm khen ngợi hay cổ vũ những hành vi khủng bố”.
Nhưng tên của Malik sau đó lại được gắn vào mục đăng ký quà tặng cho trẻ sơ sinh trên website TheBump.com. Theo mục đăng ký này, con của Malik chào đời vào ngày 17-5.
Chỉ vài giờ trước khi nổ súng gây ra vụ thảm sát, cặp vợ chồng này đã đến gửi con gái tại nhà mẹ của Farook và nói với bà rằng hai vợ chồng có hẹn gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Những vũ khi gây án của 2 vợ chồng Farook - Malik. Ảnh: Reuters
Dù vẫn còn nhiều lỗ hổng, nhưng bằng chứng rõ ràng nhất đến nay cho thấy nhiều khả năng hành động xả súng này lấy “cảm hứng” từ IS. Tuy vậy, các nguồn tin Chính phủ Mỹ lại nói rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy vụ xả súng này là do IS chỉ đạo.
Bình luận (0)