Tashfeen Malik, tên người phụ nữ gốc Pakistan nói trên, đã đăng tải thông điệp trên lên một tài khoản có tên khác trên Facebook, theo một quan chức Mỹ giấu tên. Thông điệp này sau đó đã bị xóa khỏi Facebook nhưng không rõ làm thế nào nhà chức trách có được thông tin này.
Các nhân viên điều tra giờ tìm hiểu xem liệu Malik có cực đoan hóa chồng mình, Syed Rizwan Farook, hay không. Cả 2 bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đọ súng diễn ra sau vụ xả súng.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, tình báo Pakistan đã liên lạc với người thân của Malik như là một phần của cuộc điều tra. Malik đã học ngành dược tại một trường đại học ở TP Multan - Pakistan 5 hoặc 6 năm trước. Khi gặp Farook, cô ta đang sống ở Ả Rập Saudi.
Đến giờ vẫn chưa có hình ảnh chính thức nào của Malik. Bí ần quanh nhân vật này dày thêm bởi cô ta rất ít giao thiệp. Malik và Farook quen nhau trên mạng rồi đính hôn khi Farook đến Ả Rập Saudi vào tháng 9-2013. Malik theo Farook đến Mỹ bằng visa diện "hôn thê" vào tháng 7-2014. Ngày 16-8-2014, hai người làm đám cưới ở bang California, theo giấy đăng ký kết hôn. Malik được cấp thẻ xanh có điều kiện vào tháng 7-2015, hai tháng sau khi cô ta sinh con gái.
Christian Nwadike, người làm việc chung với Farook 5 năm, cho hay người này thay đổi kể từ khi trở về từ Ả Rập Saudi. "Tôi nghĩ anh ta đã cưới trúng một nữ khủng bố" - anh Nwadike nói. Farook sinh ở bang Illinois - Mỹ, sùng đạo Hồi và có cha là một người Pakistan nhập cư.
Cư dân TP San Bernardino tưởng nhớ những nạn nhân vụ xả súng hôm 3-12. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, theo giới chức Mỹ, hiện không có bằng chứng cho thấy IS ra lệnh Malik và chồng cô ta tiến hành vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương hôm 2-12.
"Vào thời này, chúng tôi tin rằng bọn họ tự cực đoan hóa và lấy cảm hứng từ IS, hơn là nhận lệnh gây ra vụ thảm sát từ tổ chức này" - một quan chức cho biết.
Trước khi gây ra vụ xả súng, Malik và Farook đã phá hủy ổ đĩa cứng máy tính và các thiết bị điện tử khác, theo một nguồn tin chính phủ Mỹ. Lục soát xe và nhà của cặp đôi này, cảnh sát phát hiện hàng ngàn băng đạn, bom ống, vật liệu chế tạo bom...
Trong những tháng gần đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đặc biệt lo ngại về nguy cơ những cá nhân lấy cảm hứng từ IS để tiến hành các vụ tấn công trong nước.
Ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp vào tháng rồi, FBI đã giám sát chặt chẽ hơn 30 cá nhân bị xem là có nguy cơ gây ra các vụ bạo lực nhân danh IS.
Bình luận (0)