Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines trong những tuần tới.
Hành động tuyệt vọng?
Những nguy cơ mà phán quyết này dẫn đến không hề nhỏ chút nào. Nó có thể buộc cộng đồng quốc tế phải chia làm 2 phe rạch ròi: ủng hộ và chống Trung Quốc, theo nhận định của trang Bloomberg. Mỹ dù không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng xem mình là nước đi đầu trong việc bảo vệ sự tự do đi lại ở khu vực.
Trong bước đi mới nhất nhằm gây sức ép lên PCA, Vụ trưởng Vụ luật và Hiệp ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Từ Hoằng hôm 12-5 cho rằng tòa án này “lạm quyền” và “hành động bất công”. Lý do quan chức này đưa ra là 5 thẩm phán của PCA đã “vội vã” chấp nhận vụ kiện mà không cần kiểm tra mắt xích giữa các tuyên bố của Manila với chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông.
Ông Từ lớn tiếng cáo buộc có ít nhất 2 trong số 3 thẩm phán đảo ngược quan điểm học thuật của họ, biện minh cho quyết định của PCA hồi tháng 10 năm ngoái, theo đó họ có thẩm quyền đối với vụ kiện.
Nhận định về những lời lẽ trên, giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trường ĐH Tế Nam (Trung Quốc) Trương Minh Lượng nhận xét đây là lần đầu tiên Bắc Kinh chĩa mũi dùi vào PCA kể từ khi Philippines đâm đơn kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, ông Trương nói với báo The Straits Times rằng động thái này của Trung Quốc có thể phản tác dụng: “Nhiều người có thể không chấp nhận hành động bôi nhọ uy tín của PCA, nhất là khi việc làm này đến từ một nước lớn. Ngoài ra, ngay cả khi một số thẩm phán thay đổi quan điểm, chuyện chỉ trích họ lúc này chỉ tạo ấn tượng xấu rằng Trung Quốc đang dùng chiêu công kích cá nhân trong tuyệt vọng để giảm thiểu tác động của vụ kiện”.
Cộng đồng quốc tế lo ngại
Trong lúc “cương” với PCA, Trung Quốc lại bất ngờ dịu giọng với Mỹ. Trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, hôm 12-5, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy nói rằng 2 nước nên giải quyết các bất đồng liên quan tới tranh chấp ở biển Đông theo hướng xây dựng. Theo Tân Hoa Xã, tướng Phòng mong muốn cả 2 bên “kiềm chế các hành động gây tổn hại tới quan hệ giữa 2 quân đội, 2 nước”. Tướng Dunford cũng kêu gọi kiềm chế trên biển Đông và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thiết lập một cơ chế kiểm soát rủi ro hiệu quả nhằm duy trì sự ổn định trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Cuộc thảo luận diễn ra vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang cáo buộc nhau quân sự hóa biển Đông. Washington đã tăng cường tập trận và tuần tra trong khu vực để phản ứng chuyện Bắc Kinh mở rộng quy mô cải tạo, xây dựng trái phép. Trong bước đi mới nhất, Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa USS William P. Lawrence đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) hôm 10-5. Trung Quốc lập tức điều tàu chiến và máy bay theo sau tàu USS William P Lawrence, lên án hành động của Mỹ là khiêu khích và gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm 12-5, người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do đi lại ở biển Đông không phải là khiêu khích. Theo ông Earnest, những lo ngại và căng thẳng ở biển Đông lúc này không thật sự liên quan trực tiếp đến Mỹ vì Washington không tham gia tranh chấp ở đây.
Thay vào đó, người phát ngôn cho rằng chính những động thái của Trung Quốc ở biển Đông mới khiến cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong khu vực, lo lắng.
Bình luận (0)