Điều đáng chú ý là, theo các nguồn tin của Điện Élysée, 2 nhà lãnh đạo Pháp và Nga có kế hoạch thảo luận những vấn đề tương tự với các chủ đề nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7, sẽ diễn ra ở TP Biarritz - Pháp từ ngày 24 đến 26-8.
Do đó, nhà lãnh đạo Pháp có thể đóng vai trò "mắt xích liên kết" và truyền đạt cho các nhà lãnh đạo phương Tây quan điểm của ông Putin đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế liên quan đến tình hình ở miền Đông Ukraine, Syria, Libya, hồ sơ Iran và an ninh ở Vịnh Ba Tư.
Theo nhật báo Asharq Al-Awsat (Ả Rập Saudi), Paris đánh giá Moscow có ảnh hưởng to lớn và có thể đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp mặt ở Nga ngày 15-7-2018. Ảnh: RIA NOVOSTI
Tổng thống Macron cố tình muốn tiếp đón Tổng thống Putin tại tư dinh mùa hè của ông, chứ không phải ở Điện Élysée, để đem lại cho chuyến thăm một tính chất riêng tư.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka - Nhật Bản gần đây, ông Macron nói rằng các nhà lãnh đạo G7 nên hợp tác với Nga và tìm kiếm các hình thức tương tác mới về các mối đe dọa sự ổn định quốc tế.
Trái lại, mối quan hệ của ông Macron với Tổng thống Mỹ Donald Trump có phần căng thẳng do quyết định của Pháp đánh thuế các công ty công nghệ thông tin lớn và chủ yếu là của Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump không hài lòng với cách hòa giải của ông Macron về chương trình hạt nhân Iran.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp đón ông Putin tại tư dinh Tổng thống Pháp có thể báo hiệu mong muốn của Paris theo đuổi một đường lối chính trị độc lập, như đã được Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian xác nhận vào cuối tuần trước.
Vậy thì Paris mong đợi gì từ cuộc hội đàm song phương này về Trung Đông?
Thực ra, Paris không dự định đạt được bước đột phá về bất kỳ vấn đề nào sẽ được thảo luận đằng sau cánh cửa đóng kín. Theo các nguồn tin ở Điện Élysée, mọi chuyện đều rất phức tạp và bất kể cuộc họp này diễn ra như thế nào, các bên sẽ không thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tình hình ở Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran hay chiến tranh ở Syria.
Paris đang tiếp tục hợp tác ngoại giao về vấn đề hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, mặc dù Tổng thống Trump đã tuyên bố Tổng thống Macron không có quyền hành động thay mặt Mỹ.
Còn đối với Anh, sau khi ông Boris Johnson lên nắm quyền thủ tướng, nước này ngày càng ủng hộ chính sách của Washington.
Theo các nguồn tin ngoại giao châu Âu, do đó, Paris cần các đồng minh và Nga có thể trở thành một trong số họ. Cả Paris và Moscow đều đã ký thỏa thuận hạt nhân và đang cố gắng duy trì nó, cho phép Tehran tận dụng các lợi ích của thỏa thuận và giúp né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, những vi phạm các điều kiện trong thỏa thuận của Tehran sẽ khiến Paris rơi vào tình thế không thuận lợi. Do đó, điều quan trọng đối với Pháp là ông Putin sẽ thúc đẩy Iran tuân thủ thỏa thuận và "đóng băng" các biện pháp mà họ đã thực hiện, như nâng tỉ lệ làm giàu urani hoặc tăng vượt trần lượng dự trữ hiện tại. Đối với Pháp, tại thời điểm này, điều cực kỳ quan trọng là "ngăn chặn Iran tiếp tục vi phạm nghĩa vụ của mình".
Theo các nguồn tin, cần chấm dứt sự leo thang nhanh chóng cuộc xung đột về chính sách gây áp lực tối đa của Washington và các chiến thuật đối phó tối đa của Iran.
Mục tiêu của Paris là đưa mọi thứ trở lại bình thường và tạo điều kiện để các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng mọi chuyện phụ thuộc vào Washington và Tehran ở một mức độ lớn hơn so với Paris hoặc Moscow.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Syria cũng quan trọng đối với Paris như vấn đề hạt nhân Iran và ông Putin đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết nó.
Paris cũng muốn Moscow sử dụng ảnh hưởng của mình đối với phe ly khai ở miền Đông Ukraine và buộc họ phải thực hiện các thỏa thuận Minsk đã được ký kết với sự tham gia của Pháp và Đức.
Cuối cùng, Tổng thống Pháp dự định sẽ kêu gọi ông Putin bắt lấy bàn tay mà Tổng thống Ukraine đã giơ ra.
Bình luận (0)