Các cơ quan tình báo Pháp cho biết tham gia xuống đường ngày 28-3 có đông thanh niên hơn so với ngày đình công lớn gần đây nhất (23-3).
Nhiều thanh niên ban đầu "không thấy bị ảnh hưởng" bởi cải cách hưu trí nhưng sau đó, theo báo The Guardian (Anh), quyết định tham gia do tức giận trước việc chính phủ sử dụng quyền hành pháp theo điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua các cải cách hưu trí mà không cần hạ viện bỏ phiếu.
Cơ quan Hàng không dân dụng Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không tại sân bay Orly (Paris) cùng các sân bay ở Bordeaux, Marseille và Toulouse hủy 20% số chuyến bay trong ngày 28 và 29-3. Trong khi đó, hơn 8.000 tấn rác vẫn chất đống trên đường phố Paris sau nhiều tuần công nhân vệ sinh đình công.
Các công nhân ngành đường sắt Pháp tập trung biểu tình ở Paris hôm 28-3 Ảnh: REUTERS
Trao đổi với báo chí Pháp ngày 28-3, Thủ tướng Élisabeth Borne khẳng định chính phủ sẽ không đảo ngược các cải cách hưu trí. Đáp lại đề nghị đối thoại về các vấn đề việc làm của bà Borne, ông Laurent Berger - người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT - tuyên bố chỉ đàm phán với điều kiện "dẹp cải cách hưu trí sang một bên".
Tại Đức, cuộc đình công kéo dài 24 giờ hôm 27-3 đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 181 triệu euro (194 triệu USD), theo ước tính của nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Ngân hàng Commerzbank.
Diễn ra trên cả nước, đây là một trong những cuộc đình công lớn nhất nước Đức trong nhiều thập kỷ qua, gây gián đoạn nghiêm trọng ngành giao thông vận tải.
Hiệp hội Sân bay Đức ước tính khoảng 380.000 hành khách bị ảnh hưởng sau khi nhiều chuyến bay tại 8 sân bay lớn, bao gồm ở Munich, Frankfurt và Hamburg, bị ảnh hưởng, theo đài CNN. Chỉ riêng ở Frankfurt đã có gần 1.200 chuyến bay bị hủy và 160.000 khách bị ảnh hưởng.
Dịch vụ đường sắt đường dài cũng tạm dừng trong ngày 27-3, gây khó khăn cho hàng triệu hành khách, theo Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn. Tại Hamburg, cảng lớn nhất của Đức, các tàu lớn không thể cập hay rời cảng.
Cuộc đình công kể trên do 2 nghiệp đoàn lớn của ngành vận tải Đức - Verdi và EVG - dẫn đầu, sau nhiều tháng nền kinh tế lớn nhất châu Âu chịu đựng tình trạng giá thực phẩm và giá năng lượng leo thang. Theo Reuters, Verdi yêu cầu tăng 10,5% lương (tức tăng ít nhất 500 euro/tháng) trong khi EVG đòi tăng 12% lương (ít nhất 650 euro/tháng).
Người đứng đầu Verdi, ông Frank Werneke, cho biết hơn 400.000 lao động ngành vận tải đã tham gia đình công hôm 27-3, còn Chủ tịch EVG Martin Burkert cảnh báo khả năng tiếp tục đình công.
Bình luận (0)