Sau cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel về vụ Mỹ nghe lén đồng minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Nếu thông tin là chính xác thì đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được giữa các quốc gia đồng minh. nhất là giữa các đồng minh và đối tác châu Âu. Tôi coi trọng sự tin tưởng đã gắn kết châu Âu với Mỹ. Vì vậy cần phải làm hết sức để bảo vệ an ninh chung, không có chỗ cho sự nghi ngờ giữa hai bên. Thế nên tôi đòi hỏi sự minh bạch hoàn toàn. Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác Đan Mạch và Mỹ cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến vụ việc này cũng như các sự kiện trong quá khứ".
Ông Macron nhấn mạnh mục đích không chỉ là tìm hiểu những hoạt động gián điệp đã xảy ra trong quá khứ mà còn để xác định "những hoạt động nào vẫn đang diễn ra" .
Thủ tướng Đức cho biết bà "đồng ý" với phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp. Bà Merkel cho rằng "ngoài việc xác lập sự thật, đây là một điểm khởi đầu tốt để đi đến các mối quan hệ thực sự dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên màn hình video trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khuôn khổ phiên họp trực tuyến Hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức ở Berlin. Ảnh: Reuters
Lời yêu cầu phía Mỹ giải thích được Tổng thống Macron đưa ra 1 ngày sau khi các tờ báo lớn tại Đan Mạch và một số nước châu Âu công bố kết quả điều tra cho thấy với sự giúp đỡ của cơ quan an ninh Đan Mạch, trong giai đoạn từ 2012 - 2014, cơ quan an ninh Mỹ đã nghe lén các quan chức cấp cao tại châu Âu, trong đó có bà Merkel, Ngoại trưởng Đức thời kỳ đó (hiện đang là Tổng thống Đức, ông Frank-Walter Steinmeier), cũng như nhiều quan chức tại các nước Thụy Điển, Pháp, Na Uy.
Đài truyền hình Đan Mạch DR dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng đây là kết quả cuộc điều tra nội bộ do Cơ quan tình báo quốc phòng Đan mạch thực hiện để làm rõ vai trò của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong quan hệ đối tác với phía Đan Mạch.
Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffan Seibert cũng cho biết nước này đang yêu cầu mọi tổ chức tại Đức và nước ngoài có liên quan cung cấp thông tin để làm sáng tỏ vụ việc.
Trước đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp, ông Clement Beaune, nói với đài France Info rằng cần kiểm tra xem liệu đối tác tại Liên minh châu Âu (EU) là Đan Mạch có phạm lỗi, hay sai lầm, khi hợp tác với tình báo Mỹ hay không.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị cáo buộc nghe lén và đọc tin nhắn của các nhà lãnh đạo châu Âu. Ảnh: Reuters
Nói với hãng tin Reuters hôm 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen cho rằng việc nghe lén các đồng minh là "không thể chấp nhận được". Trong khi đó, người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch từ chối bình luận.
Tại Washington, NSA và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) từ chối bình luận.
Các cáo buộc gián điệp mới nhất được đưa ra nhiều năm sau khi trang Wikileaks tiết lộ Mỹ đã nghe trộm điện thoại của bà Merkel và các nhà lãnh đạo thế giới khác (hồi năm 2015). Bà Merkel khi đó tuyên bố "gián điệp giữa những người bạn" là không thể chấp nhận được. Còn về phần Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama cam kết rằng Mỹ sẽ không do thám Đức trong nhiệm kỳ của ông.
Bình luận (0)