Động thái trên diễn ra sau khi Úc huỷ hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD ký với Pháp hồi năm 2016.
Hội nghị thượng đỉnh quân sự giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cùng một số quan chức quân sự cấp cao hai nước dự kiến được tổ chức ở thủ đô London - Anh trong hai ngày nhưng đã bị Paris huỷ bỏ.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Anh Peter Ricketts xác nhận cuộc gặp bị hoãn lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (trên) và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Ảnh: Reuters, Rex/Shutterstock
Trước đó, ngày 19-9, các nguồn tin của Anh cho biết họ hy vọng hội nghị thượng đỉnh quân sự Anh - Pháp sẽ diễn ra. "Chúng tôi có mối quan hệ đối tác quân sự mạnh mẽ và chặt chẽ với người Pháp như những đồng minh đáng tin cậy" - một nguồn tin nói.
Cuối tuần trước, Pháp đã triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ và Úc. Phản ứng gay gắt của Pháp khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm xoa dịu căng thẳng.
Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết: "Tổng thống Biden đề nghị nói chuyện với Tổng thống (Pháp). Hai người sẽ có một cuộc thảo luận qua điện thoại trong vài ngày tới".
Tình hình leo thang đe dọa làm lu mờ chuyến đi đến Mỹ của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss. Cả hai sẽ tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong khi ông Johnson dự kiến thăm Nhà Trắng lần đầu tiên với tư cách là thủ tướng Anh để gặp Tổng thống Biden.
Tối 19-9, ông Johnson trấn an rằng "những người bạn Pháp" của chúng tôi không nên lo lắng về hiệp ước quốc phòng Aukus và nói: "Tình yêu nước Pháp của chúng tôi rất sâu đậm. Chúng tôi rất tự hào về mối quan hệ với Pháp. Nó có tầm quan trọng lớn đối với Anh. Đó là một mối quan hệ rất thân thiện và cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi".
Việc Mỹ và Anh hứa cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Úc, khiến Canberra huỷ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Paris, đã làm Pháp tức giận, cảm thấy "bị đâm sau lưng và bị lừa dối".
Bình luận (0)