Reuters ngày 19-9 dẫn lời ông Morrison nói rằng Úc đã bày tỏ mối quan tâm về hợp đồng tàu ngầm với Pháp trong nhiều tháng.
"Tôi không hối tiếc về quyết định đặt lợi ích quốc gia của Úc lên trước tiên. Đây là vấn đề mà tôi đã đưa ra thảo luận trực tiếp vài tháng trước và chúng tôi tiếp tục nói về vấn đề đó, bao gồm cả các bộ trưởng quốc phòng và những người khác. Tôi hiểu sự thất vọng của Pháp nhưng Úc phải luôn đưa ra quyết định tốt nhất" - nhà lãnh đạo Úc nhấn mạnh và không tiết lộ chi phí của hợp đồng mới, chỉ nói đó không phải là dự án giá rẻ.
Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: Reuters
Ông Morrison cho biết mình đã thông báo cho Pháp về thỏa thuận mới lúc 20 giờ 30 phút ngày 15-9. Sau đó, ông Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố nó lúc 7 giờ sáng 16-9 (giờ Canberra).
Theo thoả thuận mới, Úc sẽ chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ được Mỹ và Anh cung cấp trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh 3 bên. Điều này đồng nghĩa với việc Úc huỷ hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD đã ký với Pháp năm 2016.
Thỏa thuận mới khiến Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với Pháp. Các nhà phân tích cho rằng nó có thể gây thiệt hại lâu dài cho liên minh của Mỹ với Pháp và châu Âu.
Trong khi đó, Paris mô tả hành động huỷ bỏ thoả thuận tàu ngầm là "một cú đâm sau lưng". Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố mối quan hệ giữa Pháp với Mỹ và Úc đang khủng hoảng.
Sáng 19-9, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton trả lời phỏng vấn đài Sky News: "Chính phủ Úc đã thẳng thắn, cởi mở và trung thực về mối quan tâm đến hợp đồng tàu ngầm. Chúng tôi hiểu người Pháp đang buồn bã vì hợp đồng bị huỷ bỏ nhưng việc của chúng tôi là hành động vì lợi ích quốc gia".
Ông Dutton cũng xác nhận Úc có thể xem xét thuê hoặc mua tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh để thu hẹp khoảng cách cho đến khi các tàu ngầm tự chế của nước này được bàn giao vào cuối năm 2030.
Bình luận (0)