Sau cuộc họp, thông cáo từ tổng thống Pháp tuyên bố Mỹ phải tôn trọng lời hứa không do thám các lãnh đạo Pháp. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng triệu Đại sứ Mỹ Jane Hartley vì vấn đề này.
Ngày 24-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ: "Tổng thống Obama tái cam kết sẽ chấm dứt các hành động đã diễn ra trong quá khứ, vốn không thể chấp nhận được giữa các đồng minh".
Theo tuyên bố, Pháp sẽ cử một quan chức tình báo cấp cao tới Mỹ để thảo luận vấn đề này.
Trong khi đó, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố cho hay ông Obama "đã tái khẳng định sẽ tuân thủ cam kết đưa ra vào cuối năm 2013, theo đó không và sẽ không theo dõi liên lạc của tổng thống Pháp".
Các tài liệu nói trên, do trang WikiLeaks công bố, tiết lộ NSA đã nghe lén các cuộc nói chuyện (ít nhất từ năm 2006 đến tháng 5-2012) của 3 ông Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande, các bộ trưởng Pháp và đại sứ nước này tại Mỹ cùng nhiều số điện thoại của giới chức Điện Élysée, gồm số di động trực tiếp của tổng thống.
Cụ thể, tài liệu cho biết tháng 5-2012, ông Hollande lo lắng về khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro và để lại thiệt hại kinh tế. Một tài liệu khác hồi tháng 6 -2011 cho hay cựu Tổng thống Sarkozy có ý khởi động cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mà không định cho Mỹ can dự.
Nhà Trắng hôm 23-6 từ chối bình luận về hoạt động do thám các tổng thống Pháp trước đây song khẳng định hiện tại không theo dõi các liên lạc của Tổng thống Hollande và “sẽ không làm như vậy”. Tuy nhiên, theo cựu Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie, Paris từ lâu đã biết Washington có khả năng nghe lén điện thoại của các quan chức nước này nên đã đề phòng.
Trước đây, NSA dính nghi án nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Tuy nhiên, các “nạn nhân” thường chỉ phẫn nộ thời gian đầu. Gần đây, chính phủ Đức đánh chìm cuộc điều tra nghe lén của NSA do “không đủ bằng chứng”.
Mới tuần trước, WikiLeaks công bố hơn 60.000 thư tín ngoại giao từ Ả Rập Saudi và cảnh báo tung ra thêm nửa triệu thư tín nữa trong các tuần tới.
Trong diễn biến khác cùng ngày 24-6, Pháp đã thông qua một luật do thám mới gây tranh cãi, cho phép nhà chức trách theo dõi các cuộc trao đổi qua điện thoại di động hoặc thiết bị kỹ thuật số của bất cứ ai liên quan đến một cuộc điều tra "khủng bố" mà không cần sự cho phép từ tòa án, đồng thời buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và công ty điện thoại phải cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu.
Các cơ quan mật vụ sẽ có quyền đặt máy ghi hình và thiết bị thu âm tại nơi ở cá nhân và cài đặt thiết bị theo dõi bàn phím của một máy tính mục tiêu. Nhà chức trách có thể lưu giữ các bản ghi trong 1 tháng và siêu dữ liệu trong 5 năm.
Bình luận (0)