Ông Fabius lưu ý rằng việc vũ trang cho lực lượng đối lập là “một trong những biện pháp thúc đẩy việc dịch chuyển quyền lực chính trị” ở Syria. Ngoại trưởng Fabius cũng cho biết Pháp đang thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp để EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí ở Syria.
Trước đó, hôm 13-3, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã phát biểu rằng nước Anh có thể sẽ phá vỡ quyết định cấm vận vũ khí ở Syria mà EU đã ban hành. Ông Cameron nói: “Tôi hi vọng chúng tôi có thể thuyết phục các đối tác châu Âu và họ sẽ đồng ý với quan điểm của chúng tôi. Nhưng nếu họ không đồng ý chúng tôi sẽ làm mọi thứ theo cách riêng. Nước Anh vẫn là một vương quốc độc lập và chúng tôi có những chính sách đối ngoại độc lập”.
Anh và Pháp đều đồng ý việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí ở Syria là cần thiết để giải quyết xung đột tại nước này suốt 2 năm qua, đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người.
Tuy nhiên, EU lại khẳng định tiếp tục ủng hộ nỗ lực của đặc phái viên Brahimi trong việc trợ giúp cho phe đối lập và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đối thoại chính trị. EU sẵn sàng hỗ trợ và tăng viện trợ cho người dân Syria.
Đức và một số cường quốc trong EU không đồng tình với ý kiến dỡ bỏ cấm vận vì lo lắng việc này sẽ dẫn tới việc gia tăng vũ khí trong khu vực và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ ý kiến không viện trợ vũ khí cho Syria vì lo lắng nó có thể rơi vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ ý kiến của mình trên mạng xã hội hôm 14-3 rằng: “Syria đang rơi vào tình trạng bi kịch và khủng hoảng, trang bị vũ khí cho phe đối lập không phải là một lựa chọn hay”.
Bình luận (0)