Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, 31 nhà khoa học thuộc 8 quốc gia khẳng định họ có chứng cứ thuyết phục rằng một hành tinh kích thước bằng 1,3 lần trái đất đang xoay quanh ngôi sao đỏ lạnh lẽo tên gọi Proxima Centauri. “Thật may mắn vì đó là một hành tinh có thể sống được giống như trái đất chúng ta ngày nay” - nhà thiên văn học Tây Ban Nha Pedro Amado bày tỏ.
Hành tinh trên được chính thức đặt tên là Proxima b, nằm cách trái đất khoảng 4,2 năm ánh sáng (tương đương 40.000 tỉ km). Đây là hành tinh ở gần nhất trong số khoảng 3.500 hành tinh đã được phát hiện bên ngoài hệ mặt trời kể từ năm 1995. Các nhà khoa học xác định Proxima b xoay quanh ngôi sao Proxima Centauri chỉ trong 11 ngày, so với quỹ đạo 365 ngày quanh mặt trời của trái đất.
Khoảng cách giữa Proxima b và trái đất đủ gần để các nhà thiên văn trực tiếp chụp ảnh nó trong suốt mấy năm trời, giúp họ nghiên cứu bầu khí quyển và bề mặt hành tinh. Theo Reuters, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu bầu khí quyển ở đó có chứa các tác nhân của sự sống sinh học, chẳng hạn methane, hay không. “Hành tinh này gần hơn nhiều so với bất cứ hành tinh nào khác chúng ta biết được nên việc khảo sát chi tiết sẽ dễ dàng hơn” - nhà thiên văn Ansgar Reiners, Trường ĐH Gottingen ở Đức, cho biết.
Các nhà thiên văn lần đầu tiên biết về sự tồn tại của hành tinh trên vào năm 2013. Sau đó, họ tiến hành thêm nhiều lần quan sát thông qua những công cụ thiên văn chính xác để đi đến khẳng định như trên. Trong thời gian tới, họ sẽ tìm hiểu xem có nhiều hành tinh khác nữa đang xoay quanh Proxima Centauri hay không.
Bình luận (0)