Báo của OSCE nhấn mạnh đây là lần đầu tiên các quan sát viên quốc tế của họ nhìn thấy hệ thống hỏa lực hạng nặng này ở miền Đông Ukraine. Ông Michael Bociurkiw, phát ngôn viên của OSCE, nhận định với hãng thông tấn AP: “Tôi tin rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy hệ thống hỏa lực phóng loạt này ở đây. Dĩ nhiên sức hủy diệt của nó rất lớn và nó có thể tiêu diệt những khu vực nào bị bắn trúng”.
Phát ngôn viên của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov khẳng định Ukraine vốn không có hệ thống Buratino trong kho vũ khí của mình mà hệ thống này chỉ có Nga sản xuất nên họ tin rằng đây chắc chắn là vũ khí do Nga cung cấp cho phiến quân. Tuy nhiên, Nga vẫn phủ nhận việc trang bị vũ khí cho dân quân ly khai.
Hệ thống tên lửa hạng nặng Buratino của Nga. Ảnh minh họa: TASS
Hệ thống tên lửa hạng nặng (TOS-1) Buratino là hệ thống pháo dàn phản lực nhiều nòng được gắn trên khung gầm tăng T-72, sử dụng rocket 220mm đầu đạn nhiệt áp, tầm bắn khoảng 3,6 km với nhiệm vụ chính là hỗ trợ bộ binh và thiết giáp. Đây được xem là một trong những vũ khí đáng sợ nhất của quân đội Nga.
Các quan sát viên OSCE cho biết họ chưa thể xác định nguồn gốc của hệ thống Buratino được tìm thấy và họ lo ngại rằng sự hiện diện của nó có thể làm leo thang xung đột. Tuy vậy, phát ngôn viên Buciurkiw lại tỏ ra lạc quan về tiến trình đàm phán hòa bình đang được nhóm Bộ tứ Normandy (Nga, Ukraine, Đức và Pháp) tiến hành.
Rạng sáng 3-10 (theo giờ Việt Nam), lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp (hay còn gọi là nhóm Bộ tứ Normandy) đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại thủ đô Paris của Pháp với nội dung chính là kêu gọi các bên thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine.
Cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi ở Paris hôm thứ sáu đã bị phủ bóng bởi những lo ngại của cộng đồng quốc tế về sự can thiệp quân sự của nga ở Syria trong tuần này. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel kể từ sau đàm phán hòa bình ở Minsk hồi tháng 2 năm nay.
Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại cuộc họp hôm 2-10. Ảnh: AP
Kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại Điện Elysee, các bên không ký kết văn kiện nào. Chỉ có Tổng thống nước chủ nhà Hollande và Thủ tướng Đức Merkel tham dự cuộc họp báo chung. Thủ tướng Đức Merkel đánh giá các bên đều có thể hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán, những vấn đề cụ thể đã được thảo luận và quan điểm của các bên đã xích lại gần nhau hơn. Theo bà Merkel, vấn đề tiếp theo là các bước đi cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande cũng cho rằng việc thực thi Thỏa thuận Minsk đã có những bước tiến mới giúp tránh những thiệt hại về nhân mạng trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, chẳng hạn như những thỏa thuận đạt được về việc rút và kiểm soát vũ khí. Hai nhà lãnh đạo đồng quan điểm rằng thời hạn thực thi Thỏa thuận Minsk có thể kéo dài sang năm 2016.
Điện Kremlin cho biết đối thoại trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ Normandy sẽ tiếp tục vào tháng 11 tới với cuộc gặp cấp ngoại trưởng.
Bình luận (0)