Báo The New York Post hôm 24-12 đưa tin một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Biology Letters cho thấy giống cái của loài côn trùng nói trên – tên gọi Neotrogla ở Nam Mỹ và Afrotrogla ở miền Nam châu Phi – đã phát triển bộ phận sinh dục của giống đực và ngược lại.
Tác giả chính của bản nghiên cứu, GS Kazunori Yoshizawa đến từ Trường ĐH Hokkaido (Nhật Bản), mô tả loài vật này đang bước vào "một cuộc chạy đua vũ trang về phát triển bộ phận sinh dục".
Neotrogla sống trong các hang động, nơi thức ăn vô cùng khan hiếm. Đặc biệt, chúng có thời gian giao phối với con đực từ 40-70 giờ, trong đó con cái cưỡng chế và chủ động trong quá trình "quan hệ".
Neotrogla phát triển bộ phận sinh dục của giống đực. Ảnh: The New York Post
Khi tiến hành giao phối, Neotrogla sẽ đưa bộ phận có cấu tạo như bộ phận sinh dục của giống đực (gọi là gynosome) vào bộ phận sinh dục của bạn tình. Gynosome của Neotrogla sẽ cuộn tròn bên trong con đực và gắn kết chúng lại với nhau.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng kéo một cặp đang giao phối ra nhưng khiến cơ thể của con đực tách thành hai mảnh vì kết nối rất mạnh.
GS Yoshizawa nói rằng tinh dịch của giống đực rất giàu chất dinh dưỡng. Sau khi con đực phóng tinh, một viên nang cứng sẽ hình thành xung quanh tinh dịch. Vì nguồn thức ăn trong các hang động rất khan hiếm nên con cái có thể sử dụng viên nang này để thụ tinh cho trứng hoặc ăn nó để lấy dinh dưỡng.
Bất kỳ nguồn thức ăn nào - bao gồm cả tinh trùng – cũng có thể được con cái trưng dụng trong môi trường cằn cỗi của hang động. Vì vậy, con cái có thể chỉ cần ngồi chờ con đực tới để "cưỡng ép" bạn tình "chiều chuộng". Thời gian và số lần quan hệ càng nhiều thì lượng chất dinh dưỡng mà Neotrogla nhận được càng lớn.
Hiện các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang tiếp tục làm rõ lý do tại sao lại có sự đảo ngược bộ phận sinh dục kỳ lạ nói trên.
Bình luận (0)