Chiều 2-12, Tòa án Hình sự Thái Lan đã phát lệnh bắt ông Suthep Thuagsuban, lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ.
Vẫn để ngỏ đàm phán
Theo lệnh này, ông Suthep có hành vi gây rối loạn xã hội, chiếm giữ các cơ quan của chính phủ và cảnh sát có quyền bắt ông bất kỳ lúc nào trong vòng 20 ngày.
Cùng với ông Suthep, tòa hình sự cũng phát lệnh bắt 4 lãnh đạo biểu tình khác. Theo báo Bangkok Post, tội danh trên có thể bị tù chung thân hoặc tử hình theo Điều 113 của Bộ luật Hình sự.
Tới chiều tối 2-12, các địa điểm biểu tình đã giảm căng thẳng. Một số thủ lĩnh ở những điểm nóng được chỉ đạo tạm ngưng để chờ ý kiến trong khi ông Suthep có cuộc gặp lần thứ hai với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Chưa có thông tin cụ thể về cuộc gặp này nhưng sau đó, Thủ tướng Yingluck đã họp báo và tuyên bố không từ chức cũng như không giải tán chính phủ hay hạ viện để chuyển giao quyền lực cho “hội đồng nhân dân” vì yêu sách này là vi hiến.
Phản ứng khôn ngoan
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho đến giờ vẫn hạn chế tối đa việc dùng bạo lực để đối phó người biểu tình bất chấp đã xuất hiện sự khiêu khích. Mới nhất, hôm 2-12, những người chống đối công bố tấm hình một người biểu tình 25 tuổi bị bắn bằng đạn thật vào chân phải. Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định chỉ sử dụng hơi cay, đạn cao su, vòi rồng và đang cho điều tra cáo buộc này.
Thống kê của Trung tâm Cấp cứu Bangkok cho biết có thêm 58 người bị thương kể từ ngày 1-12 đến nay, còn số người chết vẫn là 3.
Một số học giả Thái Lan nhận định rất khó đàm phán trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Nhưng đó lại là giải pháp tối ưu giúp Thái Lan tránh được những thiệt hại to lớn về kinh tế - xã hội. Theo giới quan sát, dường như chính phủ của bà Yingluck và nhóm thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2010, không muốn lặp lại sai lầm của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và phe “Áo vàng” khi ra lệnh cho quân đội thẳng tay trấn áp phe “Áo đỏ” tại Bangkok, làm 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương.
Mặt khác, việc cảnh sát kiềm chế cũng khiến quân đội không can thiệp quá mức. “Nếu chính phủ của bà Yingluck không sử dụng bạo lực mà trung thành với cách xử lý theo luật pháp thì đó là một thành công” - nhà phân tích chính trị Boonkayiat Karavekphan nói.
Về phần ông Suthep, chiến thuật cứng rắn đang áp dụng có thể khiến những người ủng hộ ôn hòa xa lánh ông. Ngay cả một số thành viên của Đảng Dân chủ, như cựu Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij, cũng không khỏi bối rối trước những gì đang diễn ra.
Ngành du lịch chưa biến động nhiều Mặc dù bạo động gây rung chuyển Bangkok những ngày này nhưng du khách Việt vẫn an toàn tại Thái Lan, theo khẳng định của các hãng lữ hành lớn ngày 2-12. Ông Trần Đoàn Thế Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đơn vị chuyên tổ chức tour Thái lớn nhất Việt Nam - cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho du khách đi Thái Lan, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin từ đối tác và văn phòng đại diện của Vietravel. Hiện nay, mỗi ngày Vietravel vẫn có 3-4 đoàn khách khởi hành với chương trình tham quan ổn định, chỉ trừ Hoàng cung ở Bangkok”. Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Phòng Tiếp thị - Truyền thông của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Saigontourist thay đổi các địa điểm Hoàng Cung, Vimanamek bằng tour đi sông Chaophraya, Wat Arun. Nếu khách không đồng ý, công ty sẽ hoàn tiền; nếu tình hình diễn biến xấu hơn, công ty sẽ tạm hoãn các tour đi Thái. Trong khi đó, ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist, thông tin đến nay, các tour Thái Lan ở TST Tourist vẫn khởi hành bình thường, lượng khách ổn định. Cùng ngày, Tổng cục Du lịch có công văn gửi các sở văn hóa - thể thao và du lịch và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về việc đưa công dân Việt Nam đi Thái Lan. Theo công văn, Tổng cục Du lịch khuyến cáo thận trọng khi đưa công dân Việt Nam đi du lịch Thái Lan, không đưa khách đến các điểm xảy ra biểu tình hoặc không an toàn.
X.Hòa - V.Vinh |
Bình luận (0)