Ông Suthep, người đứng đầu cái gọi là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), dẫn lời Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết lực lượng vũ trang sẽ “chỉ bảo vệ Thái Lan”. Theo ông, đây là tín hiệu cho thấy quân đội không đứng về phía chính phủ.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Thái Lan, như Thủ tướng Yingluck Shinawatra và Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul lại có cách hiểu khác. Ông Surapong nói với các nhà ngoại giao trong cuộc họp báo hôm 2-12 rằng chính phủ tin tưởng vào thái độ trung lập của quân đội. Ngoài ra, ông cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp ngăn chặn “cuộc nổi dậy của người dân” bị cho là trái với hiến pháp.
Người biểu tình bị phá hủy một chiếc xe cảnh sát nhưng không thể phá vỡ vòng phòng thủ
xung quanh Tòa nhà Chính phủ hôm 2-12. Ảnh: THE BANGKOK POST
“Người nhện” hòa vào dòng người biểu tình hôm 2-12. Ảnh: THE BANGKOK POST
Dù quân đội được cho là sẽ lập trường trung lập, nhưng giới quan sát cho rằng cuối cùng lực lượng này sẽ là yếu tố quyết định việc liệu chính phủ này có trụ được hay không. Trong ván cờ chính trị ở Thái Lan hiện nay, bà Yingluck đang chọn hướng đi hòa giải và để ngỏ khả năng đàm phán với ông Suthep. Tuy nhiên, giáo sư khoa học chính trị Pitch Pongsawat thuộc trường ĐH Chulalongkorn lại tỏ ra bi quan khi nhận định: “Rất khó để suy đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Khi phát biểu trước đám đông biểu tình hôm 2-12, ông Suthep thề rằng những người biểu tình sẽ chiếm giữ được Cục Cảnh sát thành phố Bangkok (MPB) vào ngày hôm nay. Đó sẽ là bước tiếp theo trong chiến dịch chống chính phủ sau khi phe biểu tình áp sát MPB hôm qua nhưng rút lui sau khi trời tối. Trụ sở Cảnh sát Hoàng gia cũng có thể trở thành mục tiêu của người biểu tình.
Tính đến nay, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát đã lan rộng đến bốn địa điểm và làm gần 100 người biểu tình bị thương, phần lớn do tiếp xúc với hơi cay. Các vụ đụng độ xảy ra tại các khu vực gần Tòa nhà Chính phủ, quốc hội và Cục Cảnh sát thành phố Bangkok (MPB). Ở mọi điểm tập kết, những người biểu tình đều cố gắng loại bỏ các rào cản bằng bê tông khổng lồ và cắt hàng rào kẽm gai, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để cản bước tiến.
Theo phóng viên báo The Bangkok Post, tình hình căng thẳng nhất là tại cầu Chamai Maruchet. Tại đó, ít nhất 4 người, trong đó một nhiếp ảnh gia thuộc báo Daily News, bị bắn. Trong khi đó, theo Bộ y tế Công cộng Thái Lan, có 3 người bị bắn và 1 trong số đó đang nguy kịch.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất tại Thái Lan vẫn chưa có lối thoát, các doanh nghiệp không khỏi lo sợ cho việc làm ăn buôn bán của họ. Ông Sugree Sithivanich, phụ trách truyền thông Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết khoảng 300.000 du khách nước ngoài đã hủy bỏ chuyến du lịch đến nước này kể từ khi bất ổn chính trị leo thang, gây thiệt hại ít nhất 498 triệu USD.
Bình luận (0)