Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27-5 đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Ise-Shima, tỉnh Mie - Nhật Bản.
Trách nhiệm và quyền lợi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam. Trong đó, cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo TTXVN, Thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam cũng như các nước Mekong tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở ĐBSCL. Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.
Theo Thủ tướng, các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế…
Ưu tiên tăng trưởng
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng có sự tham gia của lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý), Liên minh châu Âu (EU) và các khách mời gồm lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và một số tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Hội nghị tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030, các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo G7 đã khép lại hội nghị với cam kết tìm kiếm tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ và sử dụng “mọi công cụ chính sách” hiện có để thúc đẩy nhu cầu. “Tăng trưởng toàn cầu còn khiêm tốn và ở dưới mức tiềm năng trong khi nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn còn. Tăng trưởng toàn cầu hiện là ưu tiên cấp bách” - tuyên bố chung dài 32 trang của hội nghị nêu rõ.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 yêu cầu Triều Tiên chấp hành đầy đủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa và “những hành động khiêu khích khác”. Theo Reuters, G7 cũng lên án việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine cũng như đe dọa tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt để buộc Moscow phải “trả giá” nhiều hơn cho hành động này.
G7 cảnh báo việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nếu có, sẽ là một nguy cơ lớn với tăng trưởng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường viện trợ toàn cầu để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của người tị nạn và người rời bỏ nhà cửa. Ngoài ra, G7 đặt mục tiêu đưa vào thực thi thỏa thuận khí hậu Paris vào cuối năm nay.
Hội kiến lãnh đạo các nước
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản vào ngày 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Theo TTXVN, tại các cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế. Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nước và đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò, trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).
Bình luận (0)