Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Sáng 27-5 tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh các nước G-7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G-7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị và khẳng định phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam khẳng định lại cam kết chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP-21 Paris vừa qua về ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) mở rộng được tổ chức tại Ise-Shima (tỉnh Mie, Nhật Bản) với sự tham gia của 7 quốc gia (Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh châu Âu (EU) và các khách mời, gồm: Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, OECD, ADB.
Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 26 đến 28-5. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng bao gồm hai phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi. Đây là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.
Với Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là cơ hội để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực trong ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương, đảm bảo an ninh, hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, phát triển.
Trước đó, cùng ngày 27-5, các lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng leo thang trên biển ở khu vực châu Á, đồng thời kêu gọi không giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực.
“Chúng tôi lo ngại về tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình cũng như xử lý các tranh chấp"- các lãnh đạo G7 khẳng định trong tuyên bố chung được đưa ra sau 2 ngày nhóm họp tại Nhật Bản. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đích danh quốc gia cụ thể nào.
Một số hình ảnh Thủ tướng tại Hội nghị G7 mở rộng ngày 27-5:
Thủ tướng gặp gỡ đại biểu các quốc gia tại Hội nghị G7 mở rộng ngày 27-5. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Bình luận (0)