Ngày 8-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở TP Hamburg - Đức.
Tại các phiên thảo luận trong ngày, các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh; ủng hộ tăng cường vai trò của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo, phòng và chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xuyên biên giới.
Hội nghị cũng hoan nghênh cách tiếp cận "Một sức khỏe" và kêu gọi các nước cùng chung tay hạn chế sử dụng kháng sinh trên người, cây trồng và vật nuôi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp thứ 3 về chủ đề Quan hệ đối tác với châu Phi, Di cư và Y tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 8-7 Ảnh: TTXVN
Hội nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn tiếp cận tài chính, hòa nhập vào xã hội sở tại, tạo điều kiện cho người di cư đóng góp vào phát triển ở cả nước tiếp nhận, nước trung chuyển và nước xuất phát di cư.
Hội nghị ủng hộ sáng kiến "Thỏa thuận hợp tác với châu Phi", trong đó nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi để thúc đẩy phát triển kinh tế, chống đói nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến của Đức về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng các yêu cầu mới về lao động, việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị ủng hộ việc thành lập Quỹ Doanh nghiệp nữ (WEFi) để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, qua đó tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế. Hội nghị khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa - nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 thảo luận vấn đề việc làm và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017; thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại Chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9-2017 để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh doanh và đóng góp phát triển kinh tế trong nền kinh tế số.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp năng động, đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và thành lập Diễn đàn Toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ lãnh đạo các nước G20 (Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Úc, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Singapore...); tập trung trao đổi các định hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên G20.
Chiều 8-7, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời TP Hamburg, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức; lên đường thăm Vương quốc Hà Lan, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte.
G20 ra tuyên bố chung
Trong ngày làm việc thứ hai, 8-7, cũng là ngày cuối của Hội nghị Thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo đã đồng thuận hầu như mọi khía cạnh của tuyên bố chung, ngoại trừ vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo các quan chức Liên minh châu Âu (EU), vấn đề khí hậu bị "tắc" lại do Mỹ kiên quyết muốn "hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giúp tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách sạch và hiệu quả". Theo đài BBC, đây là nội dung mà hầu hết các thành viên G20 khác không muốn đưa vào tuyên bố chung vì làm vậy chẳng khác nào ủng hộ việc tiếp tục sử dụng và xuất khẩu loại nhiên liệu này, bao gồm than đá và dầu. Hồi tháng 6-2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris.
Dù vậy, đến cuối ngày làm việc, lãnh đạo các nước đã đạt được thỏa thuận về nội dung chống biến đổi khí hậu trong tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị. Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nước nhất trí lưu ý tới quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Theo tuyên bố, theo đài BBC, Washington cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.
Ngoài biến đổi khí hậu, thương mại là một đề tài được bàn luận sôi nổi tại hội nghị lần này, sau khi ông Donald Trump liên tục thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết". Ông chủ Nhà Trắng luôn tập trung vào khía cạnh "công bằng" và không ngừng chỉ trích các mối quan hệ thương mại mà ông cho là các nước khác xuất khẩu vào Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại.
Reuters cho hay các trợ lý đã phải làm việc tới 2 giờ sáng 8-7 (giờ địa phương) để hoàn tất dự thảo tuyên bố chung cho G20, sau khi Mỹ đồng ý với cách sử dụng từ ngữ về nội dung chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, tuyên bố cũng nêu rõ thương mại cần đem lại lợi ích chung cho nhau và các nước có thể thực thi các biện pháp bảo vệ thị trường.
Hội nghị G20 lần này được xem là thành công cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, qua đó thể hiện uy tín và kỹ năng ngoại giao của bà trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Bà đã điều hòa được các bất đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đạt được đồng thuận cuối cùng cho hội nghị. Việc chọn tổ chức Hội nghị G20 tại Hamburg, thành phố cảng nơi bà sinh ra, cũng để chuyển đi thông điệp rằng Đức cởi mở với thế giới, kể cả chấp nhận các cuộc biểu tình nảy lửa suốt 2 ngày hội nghị.
Bình luận (0)