Cử tri Nga ngày 18-9 tham gia cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) để chọn 450 đại biểu cho khóa mới kéo dài 5 năm.
Cơ hội cho phe đối lập
Nét mới của cuộc bầu cử lần này là số lượng chính đảng tham gia chỉ có 14, giảm một nửa so với cuộc bầu cử trước. Vì thế, đây được xem là cơ hội hiếm hoi để các nhân vật đối lập lên tiếng. Theo đài CNN, hầu hết ứng viên đối lập bị cản trở tham gia ngay từ đầu trong các cuộc bầu cử trước đó. Lần này, hàng trăm nhân vật chỉ trích Điện Kremlin được phép ra tranh cử. Thậm chí, một số tiếng nói đối lập còn xuất hiện trên truyền hình. Nhận định về diễn biến này, ông Mikhail Kasyanov - lãnh đạo Đảng PARNAS đối lập và từng là thủ tướng Nga - nhận xét: “Chính quyền muốn tạo ấn tượng rằng đây là cuộc bầu cử tự do và công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Dù vậy, phe đối lập vẫn tố cáo họ bị đe dọa và quấy rối trong quá trình tranh cử. Ông Kasyanov, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Vladimir Putin, cũng là mục tiêu. Trong một vụ việc được camera ghi lại, ông này bị 2 người đàn ông tấn công bằng bánh kem trong một nhà hàng. Chưa hết, uy tín của Kasyanov còn bị ảnh hưởng bởi một đoạn video bí mật - bị công bố hồi tháng 4 - ghi lại “cảnh nóng” giữa ông và một cộng sự đã kết hôn. Trước đó, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov - một đồng minh quan trọng của Tổng thống Putin - đăng đoạn video về ông Kasyanov đang nằm trong kính ngắm của súng bắn tỉa, rồi biện hộ đây chỉ là trò đùa. Tuy nhiên, đài CNN nhận định không thể xem nhẹ hành động đe dọa này sau khi thủ lĩnh phe đối lập, cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov, bị bắn chết gần Điện Kremlin hồi năm 2015.
Đài CNBC nhận định cuộc bầu cử được xem là phép thử của Đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền. Dù uy tín của đảng này đang sụt giảm nhưng với tỉ lệ ủng hộ ông Putin ở mức 80%, UR vẫn được dự báo giành nhiều ghế nhất và nắm thế đa số tuyệt đối. Trong khi đó, 3 đảng khác hiện có ghế trong quốc hội - Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Nước Nga công bằng - cũng gặp khó khăn. Trang tin Gazeta.ru dẫn lời ông Alexei Makarkin, Phó Chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị (Nga), cho rằng các đảng này không có gì thay đổi để có thể thách thức UR mạnh mẽ hơn.
Điểm nóng Crimea
Cuộc bầu cử trên còn được xem là “cuộc diễn tập” cho cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào tháng 3-2018. Nhiều người tin rằng ông Putin, 63 tuổi, sẽ ra tranh cử dù nhà lãnh đạo này vẫn đang kín tiếng.
Một điểm đáng chú ý khác của cuộc bầu cử năm nay là có sự tham gia của người dân trên bán đảo Crimea sau khi Moscow sáp nhập nơi này hơn 2 năm trước. Mỹ hôm 16-9 khẳng định không công nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử ở Crimea. “Bán đảo này vẫn là một phần không thể tách rời của Ukraine. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới Crimea sẽ được duy trì cho tới khi Nga trả lại quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh.
Đáp lại, Tổng thống Putin hôm 17-9 chỉ trích các ứng viên tổng thống Mỹ “sử dụng lá bài Nga” để thao túng cử tri trong nước. “Khi sử dụng hình ảnh nước Nga trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, tôi mong rằng lý do là ảnh hưởng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Nga. Thực ra, tôi nghĩ rằng đó là chiêu trò để tác động đến dư luận trong nước” - ông Putin phát biểu tại thủ đô Bishkek - Kyrgyzstan.
Cùng ngày, Moscow kêu gọi Kiev nên bảo đảm an ninh để công dân Nga ở Ukraine tham gia bầu cử Duma Quốc gia an toàn. Rạng sáng 17-9, khoảng 20 người Ukraine quá khích bất ngờ tấn công Đại sứ quán Nga ở Kiev bằng pháo sáng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố cuộc bầu cử tại Crimea hoàn toàn bất hợp pháp và lo lắng về số lượng lớn binh sĩ Nga tại bán đảo này.
Bình luận (0)