Với chiều rộng 15-30 m, TC4 dự kiến bay gần trái đất ở điểm nằm tại phía Nam nước Úc. Theo trang Independent (Anh), các nhà khoa học khẳng định TC4 không gây hại cho trái đất lẫn hàng trăm vệ tinh địa tĩnh hiện nằm ở quỹ đạo cách trái đất 36.000 km.
Thay vào đó, các nhà khoa học xem đây là cơ hội hiếm hoi để quan sát thiên thạch này cũng như cải thiện hệ thống phòng thủ hành tinh.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng nhân dịp này mô phỏng tác động của TC4 tương tự vụ nổ thiên thạch làm hơn 1.000 người bị thương ở TP Chelyabinsk - Nga vào năm 2013.
Có kích thước tương đương TC4, thiên thạch ở Nga nặng khoảng 7.000 tấn, có sức công phá ước tính gấp 20-30 lần quả bom nguyên tử thả xuống TP Hiroshima - Nhật Bản vào năm 1945.
Hình ảnh mô phỏng tiểu hành tinh TC4 tiếp cận trái đất trong ngày 12-10 Ảnh: NASA
Các chuyên gia không gian hy vọng thông tin thu được từ cuộc mô phỏng sẽ giúp phát triển biện pháp đối phó các vụ va chạm thảm khốc tiềm tàng trong tương lai. ESA tuyên bố: "Việc TC4 bay gần trái đất cho phép các nhà khoa học nghiên cứu quỹ đạo cũng như thành phần của nó. Đây đồng thời là đợt tập dượt của mạng lưới đài quan sát quốc tế và các tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực phòng vệ hành tinh".
TC4 được phát hiện vào năm 2012 khi vượt qua trái đất ở khoảng cách gấp đôi khoảng cách dự kiến trong ngày 12-10. Có chu kỳ quay quanh mặt trời là 609 ngày, tiểu hành tinh này dự kiến "tái ngộ" trái đất vào năm 2050 và 2079.
"Chúng tôi tính toán rằng TC4 không va chạm trái đất vào năm 2050 nhưng với đường bay ngày càng gần, nó có thể lao vào trái đất năm 2079" - ông Ruediger Jehn, chuyên gia của ESA tại Hà Lan, nhấn mạnh.
Với tỉ lệ va chạm trái đất vào năm 2079 là 1/750, TC4 xếp thứ 13 trong danh sách nguy cơ từ các vật thể ngoài không gian.
Bình luận (0)