Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) non trẻ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến giành được đa số phiếu cần thiết để thúc đẩy công cuộc cải tổ khi 47 triệu cử tri tham gia vòng 1 cuộc bầu cử hạ viện ngày 11-6.
Cuộc bầu cử diễn ra 1 tháng sau khi cựu chuyên viên ngân hàng Macron đắc cử tổng thống nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro, tạo ra cơn địa chấn chính trị ở Pháp. Đây được xem là phép thử đầu tiên đối với vị tổng thống trẻ tuổi. Nếu Tổng thống Macron và đảng của ông giành được đa số ghế áp đảo sau 2 vòng bầu cử như kết quả thăm dò, đó sẽ là ngón đòn khác nữa giáng mạnh vào các đảng truyền thống ở nước này.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đảng LREM của ông Macron sẽ đạt ít nhất 30% phiếu bầu ở vòng 1 còn Đảng Những người Cộng hòa cánh hữu và các đồng minh đạt khoảng 20%, Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của bà Le Pen đạt 17%. Theo đó, nhiều khả năng Đảng LREM giành được khoảng 397-427 ghế trên tổng số 577 ghế tại hạ viện, bỏ xa 2 đối thủ chính nói trên. Với kết quả này, LREM dự kiến sẽ dễ dàng chiến thắng vang dội ở vòng 2 diễn ra ngày 18-6. Theo hãng tin Reuters, ngay cả các đối thủ cũng nhận định Đảng LREM chắc chắn đạt được đa số phiếu bầu.
"Chúng tôi muốn giành đa số phiếu để có thể hành động và biến đổi nước Pháp trong 5 năm tới" - ông Mounir Mahjoubi, một doanh nhân kỹ thuật thuộc Đảng LREM, hồ hởi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân rời khỏi điểm bầu cử sau khi bỏ phiếu hôm 11-6 Ảnh: REUTERS
Việc Đảng LREM của ông Macron giành được đa số ghế tại hạ viện sẽ giúp ông củng cố quyền lực và thuận lợi trong việc triển khai chính sách cải cách xã hội, đặc biệt là các vấn đề ưu tiên như: chống thất nghiệp, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, an ninh và cắt giảm thuế.
Theo kênh Al Jazeera, lịch sử đang ủng hộ Tổng thống Macron. Kể từ năm 2002, cử tri Pháp đã liên tục ủng hộ đảng của các tân tổng thống. Cụ thể, tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm của ông Macron - Francois Hollande năm 2012, Nicolas Sarkozy năm 2007 và Jacques Chirac năm 2002 - đều giành được đa số ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, tất cả các vị này đều thuộc các đảng đã được thành lập lâu đời, không giống như Tổng thống Macron. Đảng trung lập của ông chỉ mới thành lập chẳng bao lâu trước khi ông thông báo tranh cử tổng thống hồi năm 2016.
Với một nửa số ứng cử viên Đảng LREM xuất thân từ xã hội dân sự, Tổng thống Macron hy vọng sẽ giải quyết cuộc cải tổ vấn đề luật lao động vốn nổi tiếng là gai góc. Thế nhưng, nếu ông không thể giành được đa số tuyệt đối, tức đạt 289 trong số 577 ghế, công việc ông chủ Điện Élysée sẽ phức tạp hơn bởi vì ông sẽ phải thành lập liên minh với các đảng cánh tả và cánh hữu.
Trang Politico đặt giả thuyết: Nếu như không nhận được sự hợp tác từ thủ tướng và quốc hội, Tổng thống Macron sẽ phải vất vả thực hiện các quyết sách của mình. Dưới thời nền Đệ ngũ Cộng hòa, nước Pháp đã 3 lần rơi vào tình huống tổng thống và thủ tướng thuộc 2 đảng khác nhau. Các giai đoạn này đã được đánh dấu bằng những căng thẳng chính trị, bế tắc và cách biệt dai dẳng.
Thế nhưng, đây chỉ là cuộc bầu cử vòng 1. Các nhà chuyên môn dự kiến rất ít nghị sĩ được bầu trực tiếp ở vòng 1. Để chiến thắng ở vòng bầu cử này, ứng cử viên cần đạt hơn 50% số phiếu bầu và số người đi bầu phải chiếm ít nhất 25% số cử tri đã đăng ký. Ứng cử viên nào nhận được phiếu bầu của ít nhất 12,5% số cử tri đã đăng ký sẽ bước vào vòng 2.
Bình luận (0)