Tòa án Tối cao Philippines hôm 12-1 đã phán quyết Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) mà Manila ký với Washington năm 2014 là hợp hiến, qua đó bật đèn xanh cho quân đội Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở nước này.
Sự răn đe cần thiết
EDCA cho phép quân đội Mỹ xây dựng các cơ sở chứa thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai và nhân đạo ở Philippines, đồng thời tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của nước chủ nhà.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila lập tức hoan nghênh phán quyết trên, đồng thời bày tỏ mong muốn EDCA được thực thi ngay lập tức. “EDCA là một thỏa thuận có lợi cho hai bên, cho phép chúng tôi hỗ trợ nhân đạo cũng như giúp nâng cao năng lực của các lực lượng vũ trang Philippines nhanh chóng hơn” - tuyên bố trên trang web của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ.
Giới chức Philippines cũng đánh giá EDCA sẽ đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới sau khi Mỹ tăng cường tập trận, huấn luyện và đưa tàu, máy bay đến thăm nước này trong năm ngoái.
Giới phân tích nhận định EDCA đóng vai trò quan trọng đối với cả Philippines và Mỹ giữa lúc Trung Quốc có yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. “EDCA sẽ thúc đẩy vị thế của Mỹ trong việc đối trọng với Trung Quốc, nhất là trong cuộc đối đầu ngày càng gay gắt ở biển Đông” - chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi nhận định với Reuters. Trong khi đó, báo The Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia an ninh Richard Javad Heydarian của Trường ĐH De La Salle (Philippines) cho rằng Manila đang hy vọng Mỹ khôi phục hiện diện tại căn cứ không quân Clark và vịnh Subic để “răn đe cần thiết” những hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Phán quyết trên được đưa ra đúng vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Philippines đàm phán với những người đồng cấp Mỹ tại Washington (giờ địa phương). Theo AP, một trong những nội dung chính của cuộc gặp là tìm cách đối phó mối đe dọa xuất phát từ việc Trung Quốc hoàn tất xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông.
Trước thềm cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila sẽ yêu cầu Washington tiếp tục các cuộc tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông. Ngoài ra, hai bên dự kiến bàn về khả năng Mỹ và các đồng minh châu Á tuần tra chung tại đó.
Nhật cương quyết
Cũng trong ngày 12-1, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đáp trả mọi sự xâm nhập của tàu hải quân Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách để Lực lượng Phòng vệ (SDF) điều tàu tuần tra khu vực. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết bất cứ tàu hải quân nước ngoài nào đi vào lãnh hải Nhật Bản ngoài mục đích “di chuyển vô hại” sẽ bị tàu tuần tra nước này yêu cầu rời đi. Luật pháp quốc tế cho phép tàu hải quân một nước đi qua lãnh hải quốc gia khác nếu nó không gây đe dọa về an ninh.
Theo ông Suga, Tokyo đã thông báo cho Bắc Kinh ý định trên sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc mang vũ khí được nhìn thấy 2 lần gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng rồi. Đáng chú ý, chính phủ Nhật đã phản đối Trung Quốc sau khi xác định một chiếc tàu chiến ngụy trang thành tàu hải giám xâm nhập lãnh hải nước này hôm 26-12-2015.
Theo đài NHK, tàu này thực chất là một tàu khu trục của hải quân nhưng được sơn lại thành màu trắng của lực lượng hải giám, được trang bị ít nhất 4 bệ pháo và có thể còn được lính hải quân vận hành. Đây là lần đầu tiên một tàu trang bị vũ khí Trung Quốc được xác nhận xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.
Cùng ngày, tờ Yomiuri đưa tin tàu của SDF sẽ “ra tay” nếu phát hiện tàu hải quân Trung Quốc xâm phạm trong vòng 22 km xung quanh Senkaku. Reuters nhận định những bước đi nêu trên báo hiệu nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa 2 nước, nhất là khi Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích trên biển.
Nỗi lo này càng gia tăng khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 11-1 thông báo thành lập 15 đơn vị quân đội mới - từ hậu cần, phát triển thiết bị đến công tác chính trị và chống tham nhũng. 15 đơn vị này thay thế cho 4 cơ quan cấp tổng cục - bao gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị - được giải tán trước đó, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm.
Đây là bước đi mới nhất nằm trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Bắc Kinh. Vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua kế hoạch thành lập bộ chỉ huy chung của quân đội, lực lượng tên lửa và một đơn vị hỗ trợ chiến lược cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông Tập cũng gây xôn xao vào tháng 9-2015 khi thông báo cắt giảm 300.000 nhân viên quân sự.
Dân Trung Quốc “trúng kế”
Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lại lao dốc một cách điên rồ hồi tuần trước, Bắc Kinh ngang ngược cho 3 máy bay dân sự bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không rõ sự việc này là vô tình hay cố ý nhưng các chuyên gia cho rằng đây là chiêu đánh lạc hướng người dân khỏi nền kinh tế đang ngày càng xấu đi của Trung Quốc.
Hình ảnh về những chuyến bay sai trái bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ đó đã lấn át trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), cư dân mạng nước này gần như mất tự chủ với chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc nêu trên. Tờ báo Mỹ dẫn lời giới quan sát cho rằng sắp tới sẽ còn thêm các động thái đánh lạc hướng khác khi nền kinh tế số 2 thế giới được dự báo sắp bước vào những tháng ngày suy giảm đau đớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, khiến giới lãnh đạo đối mặt nhiều sức ép trong nước. Trong khi đó, các chiến lược gia trong khu vực lo ngại tình trạng thất nghiệp gia tăng cùng sự leo thang các cuộc biểu tình của công nhân sẽ khiến Bắc Kinh đẩy mạnh “phiêu lưu” ở nước ngoài, đồng thời đối đầu hung hăng hơn với Mỹ và các nước láng giềng.
Thu Hằng
Bình luận (0)