Phát biểu trên của ông Abella được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói nước ông sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên với Trung Quốc ở biển Đông, cụ thể là trong khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Abella đã nói lại cho rõ: “Tôi tin đây không phải thoả thuận giữa các chính phủ mà đó có thể là thoả thuận giữa các doanh nghiệp. Thỏa thuận không thể được coi là chính thức nếu đó là một sáng kiến tư nhân”.
Ông Abella cho biết thêm: “Chính phủ không có chính sách nào liên quan đến vấn đề thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc vào thời điểm này”. Đồng thời, ông cam kết Manila sẽ tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan.
Trước đó, phát biểu tại một buổi lễ trao giải thưởng ở văn phòng tổng thống, ông Duterte cho biết nếu tìm thấy mỏ dầu nào trong khu vực bãi cạn Scarborough (Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012), Philippines và Trung Quốc “sẽ cùng phát triển và chia sẻ”.
Lấy lý do khả năng quân sự của Philippines không thể đối chọi Trung Quốc, Tổng thống Duterte nói việc gửi thủy quân lục chiến tới Scarborough để giành lại quyền kiểm soát bãi cạn này là “bất khả thi”. “Họ sẽ bị xóa sổ chỉ trong một phút. Đó sẽ là thảm họa” – ông nhận xét.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Thái Lan hôm 21-12 cho biết Bangkok và Bắc Kinh đang đàm phán để xây dựng các cơ sở sửa chữa và bảo trì thiết bị Trung Quốc hiện có trong kho vũ khí của Thái Lan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantravanich xác nhận với Reuters: “Chúng tôi sẽ xem xét chuyên môn của họ (Trung Quốc) trong việc sản xuất vũ khí hạng nhẹ cũng như các thiết bị liên quan đến an ninh như máy bay không người lái”.
Thái Lan cũng tổ chức các cuộc đàm phán với Nga về kế hoạch thiết lập các cơ sở tương tự.
Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Mỹ đóng băng viện trợ an ninh và quốc phòng dành cho Thái Lan. Washington còn thu nhỏ các bài tập quân sự thường niên với Bangkok do lo ngại diễn biến chính trị phức tạp ở nước này.
Bình luận (0)