Phát biểu tại lễ bế mạc một diễn đàn của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Albert del Rosario hôm 28-9, cựu Ngoại trưởng Philippines khẳng định cần phải xem xét lại các chính sách đối ngoại độc lập mới dưới thời Tổng thống Duterte. Ông Del Rosario thắc mắc không hiểu tại sao Philippines lại đột nhiên giữ khoảng cách với Mỹ, trong khi ngày càng xích lại gần Trung Quốc.
Thời điểm Manila khởi kiện và giành chiến thắng trước Bắc Kinh tại Tòa tTọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan về vụ kiện biển Đông, ông Del Rosario vẫn đang giữ chức ngoại trưởng. Vì vậy, chứng kiến Tổng thống Duterte đưa ra những bình luận khắc nghiệt đối với Washington, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, ông không ngớt đặt câu hỏi.
Trong một bình luận gần đây nhất, nhà lãnh đạo Philippines thậm chí tuyên bố Mỹ đã thao túng tỉ giá hối đoán để làm suy yếu đồng peso của nước ông. Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno sau đó "chỉnh lại" tuyên bố này.
Ông Del Rosario nhận xét các chính sách đối ngoại của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc cần phải thu được những lợi ích thiết thực, không nên “bỏ tép bắt tôm” rồi “bỏ tôm bắt tép”, cuối cùng nhận về kết quả là con số “0” tròn trĩnh.
Ngoài ra, theo ông Del Rosario, các chính sách ngoại giao của Philippines được lèo lái bởi các mối quan hệ dân chủ. Vậy nên, ông cho rằng tất cả đều phải tuân thủ các nguyên tắc, tính độc lập và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ông còn cảnh báo nếu Philippines xa rời Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hậu quả kinh tế sẽ đến trong nhãn tiền.
Không nói đâu xa, hôm 1-10, các nhà lập pháp có ảnh hưởng tại Mỹ đã đánh tiếng các vụ giết nghi phạm ma túy không qua xét xử do Tổng thống Duterte phát động có thể làm ảnh hưởng tới viện trợ Washington dành cho Manila. Philippines đã nhận được khoảng 175 triệu USD tiền hỗ trợ phát triển của Mỹ trong năm tài chính 2015 cùng với 50 triệu USD tiền viện trợ quân sự.
Trong năm 2016, Manila được Washington tài trợ 75 triệu USD cho các hoạt động chống khủng bố và an ninh hàng hải. Kể từ năm 2011, Mỹ cung cấp 3 tàu bảo vệ bờ biển cho Philippines để tăng cường năng lực hải quân.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng còn quá sớm để áp đặt các hạn chế về viện trợ đối với Manila. Ông nhấn mạnh mong muốn của Washington là làm việc với Tổng thống Duterte dựa trên mối quan hệ bền chắc giữa 2 nước – vốn bắt nguồn từ một hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguyện vọng một phía từ Washington bởi trong chuyến thăm đến Trung Quốc vào tháng tới (từ ngày 19 đến 21-10), Tổng thống Duterte có khả năng sẽ làm xoay chuyển các mối quan hệ liên minh ở khu vực Đông Nam Á.
Đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua tuyên bố kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức hồi cuối tháng 6, Trung Quốc và Philippines đã có “một loạt các tương tác thân thiện dẫn đến những kết quả tích cực”. Vị này mô tả một cách văn vẻ: “Những đám mây đang tan dần. Mặt trời ló dạng ở cuối chân trời, tỏa ánh sáng trên một chương quan hệ song phương mới”.
Giới chuyên gia dự đoán ngoài khúc mắc về kinh tế được mang ra thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Duterte cũng dự định yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA, không cản trở ngư dân Philippines đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống thuộc bãi cạn Scarborough (Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012).
Song nhà lãnh đạo Philippines không nhấn mạnh việc phán quyết của PCA sẽ được thực thi như thế nào. Một nguồn tin thân cận với các nhà lãnh đạo và quân đội Trung Quốc tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh ghi nhận hảo ý “giữ thể diện cho Trung Quốc” của ông Duterte. Vì vậy họ “sẽ đáp lại thái độ lịch sự của ông bằng cách này hay cách khác”.
Trong khi Trung Quốc chưa xác nhận chuyến thăm của nhà lãnh đạo Philippines, tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết trong một bài xã luận hồi tuần trước: “Mối tương tác tích cực giữa Trung Quốc và Philippines, khác hẳn dưới thời cựu Tổng thống Aquino, có thể sắp được mở ra. Ông Duterte cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với người tiền nhiệm của mình từ ngoại giao cho đến phong cách. Ông có vẻ ưa chuộng ngoại giao cân bằng với nhiều nước thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ”.
Chuyên gia Luo Liang tại Viện Nghiên cứu biển Đông được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nhận định mặc dù các tín hiệu từ ông Duterte khá tốt nhưng vẫn phải chờ xem phần thể hiện của ông có thay đổi gì hay không.
Bình luận (0)