Một người mẹ có 3 con kể rằng chị bị chồng đánh đập từ khi mang thai đứa con đầu lòng. Chị đã quyết tâm ly dị. Thế nhưng, cha mẹ chị nói rằng họ sẽ cảm thấy nhục nhã trước những lời gièm pha của mọi người và chị sẽ phải từ bỏ đứa con nếu chị ra đi. Thế là chị quay lại nhà và tiếp tục chịu đựng sự ngược đãi.
Ly dị là lối thoát hiếm hoi đối với các phụ nữ bị ngược đãi ở Lebanon. Ngoài việc ít được nhà chức trách bảo vệ, phụ nữ Lebanon còn bị phản đối nếu họ tìm cách thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Phụ nữ Lebanon biểu tình đòi bình đẳng. Ảnh: CNN
Thực ra, một bản dự thảo luật bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình đã được nội các Lebanon thông qua năm 2010 nhưng kể từ đó đến nay vẫn bị “sa lầy” ở quốc hội do bị những người có thẩm quyền của giáo phái Sunni và Shitte phản đối. Họ cho rằng đã có luật Sharia bảo vệ địa vị của người phụ nữ và luật này vẫn phải là cơ sở để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến gia đình Hồi giáo.
Dự luật trên đã hình sự hóa hành vi ngược đãi về thân thể và lạm dụng tình dục - vốn được gọi là “các tội phạm liên quan đến danh dự” và cưỡng hiếp trong hôn nhân. Dự luật còn đề nghị thành lập các đơn vị cảnh sát ứng phó nạn bạo lực gia đình được huấn luyện chuyên biệt, đồng thời cung cấp khung pháp lý chống lại những người chồng ngược đãi vợ. Thế nhưng, các tòa án tôn giáo ở Lebanon đã chỉ trích dự luật trên và coi đó như một nỗ lực làm giảm bớt thế lực của họ.
Theo đài CNN, các tòa án tôn giáo thường đưa ra phán quyết tập trung vào việc duy trì các đơn vị gia đình hơn là bảo vệ phụ nữ trước bạo lực. Luật sư Amer Badreddine, chuyên về các vụ án bạo lực gia đình, nhấn mạnh rằng đó là cách phản ứng mà các phụ nữ bị ngược đãi vẫn thường gặp phải từ phía cảnh sát. Ông Badreddine nói: “Người ta bảo phụ nữ giải quyết vụ việc ở mức độ là một vấn đề của gia đình chứ không đưa nó ra cảnh sát”. Ngoài ra, ông nhận định rằng luật pháp cũng đã không công nhận tình trạng cưỡng hiếp trong hôn nhân là một tội phạm - quan điểm được một số thẩm phán Hồi giáo ủng hộ.
Bình luận (0)