Trong làn sóng phản đối mới nhất chống lại các quy định cứng nhắc liên quan đến ngoại hình của phụ nữ tại Nhật Bản, từ khóa "cấm đeo kính" trở thành xu hướng nóng trên mạng xã hội Twitter trong tuần qua. Phong trào này bùng nổ dữ dội sau khi một số bản tin truyền hình gần đây đưa tin một số doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực không muốn nhân viên nữ đeo kính.
Theo tờ The Washington Post (Mỹ), một nữ lễ tân tại Nhật Bản kể lại cô bị yêu cầu không đeo kính trong khi đồng nghiệp nam của cô lại được phép. Một phụ nữ làm việc tại nhà hàng tiết lộ trên Twitter cô không được đeo kính vì chủ cho rằng trông "thô lỗ" và không phù hợp với bộ kimono truyền thống mặc khi làm việc.
Một nữ nhân viên tại một viện thẩm mỹ bị khô mắt sau nhiều giờ đeo kính áp tròng nhưng vẫn không được phép đeo kính tại nơi làm việc. Theo một số nhà hoạt động, nếu các quy định chỉ cấm phụ nữ đeo kính ở nơi làm việc thì đó là sự phân biệt đối xử.
Cô Yumi Ishikawa (đi đầu) trong một lần kiến nghị chính phủ Nhật Bản cấm các công ty buộc nhân viên nữ mang giày cao gót hồi tháng 6 Ảnh: MAINICHI
Trước khi nổ ra cuộc tranh cãi về chuyện "cấm đeo kính" nơi làm việc, phong trào phản đối các công ty tại Nhật Bản buộc nhân viên nữ đi giày cao gót #KuToo thu hút được 21.000 chữ ký trực tuyến vào đầu năm nay.
Phản ứng trước làn sóng phản đối này, Bộ trưởng Y tế Takumi Nemoto cho biết các công ty có quyền yêu cầu nhân viên mặc trang phục cần thiết và phù hợp với môi trường làm việc.
Đề cập việc cấm đeo kính, cô Yumi Ishikawa, người giúp khởi xướng phong trào #KuToo, tỏ ra bất bình: "Nếu đeo kính là một vấn đề thực sự tại nơi làm việc thì điều đó nên bị cấm đối với mọi người, cả nam giới lẫn phụ nữ. Chuyện này cũng giống hệt quy định mang giày cao gót. Chúng chỉ được áp đặt đối với lao động nữ".
Nhiều người cũng thông qua tranh cãi về chuyện cấm đeo kính để đề cập những quy định hạn chế về trang phục ở trường học Nhật Bản. Nhiều trường bắt buộc học sinh để tóc đen và tạo kiểu theo một số quy định cụ thể.
Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản bày tỏ hy vọng các quy định về chuyện ăn mặc dành cho phụ nữ tại nơi làm việc sẽ được dỡ bỏ. Hồi tháng 6 qua, cô Ishikawa nộp bản kiến nghị kêu gọi chính phủ cấm các công ty áp đặt quy định trang phục mà các nhà hoạt động cho là phân biệt đối xử đối với phụ nữ, như yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót, trang điểm…
Theo tờ The Guardian (Anh), Nhật Bản xếp hạng 110 trong tổng số 149 quốc gia được đánh giá trong báo cáo về bất bình đẳng giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố mới đây.
Bình luận (0)