Ông Cha - cựu cố vấn về vấn đề Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush - không còn được xem xét cho vị trí trên vì phản đối chiến lược "đánh chảy máu mũi", xem đây không phải là phương thức để đạt được mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bà Catherine Dill, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho rằng những gì xảy ra với ông Cha cho thấy Nhà Trắng thích một người nào đó sẵn sàng ủng hộ lựa chọn quân sự.
Bà Dill nói thêm rằng đang có nỗ lực bên trong chính quyền ông Trump nhằm vận động sự hậu thuẫn cho một giải pháp quân sự để ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Một nguồn tin khác nói với tờ South China Morning Post rằng chính quyền Mỹ muốn để ngỏ mọi khả năng, trong đó có cả cuộc tấn công "chảy máu mũi". Mục tiêu của một cuộc tấn công như thế là gây sốc Bình Nhưỡng bằng một chiến dịch quân sự giới hạn, không khiến nó leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, từ đó buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, ông Cha đã phản đối chiến lược này vào cuối tháng 12-2017 khi bày tỏ nỗi lo ngại với các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump.
Hôm 30-1 qua, ông Cha viết trên tờ The Washington Post rằng một cuộc tấn công "chảy máu mũi" sẽ không cản trở ông Kim đáp trả. Thay vào đó, nó có nguy cơ khiến tính mạng hàng trăm ngàn người Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản lâm nguy trước các vụ tấn công của pháo binh và tên lửa Triều Tiên.
Tranh cãi về vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc diễn ra giữa lúc Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra ở Pyeongchang từ ngày 9 đến 25-2 với sự tham dự của các vận động viên Triều Tiên.
Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý tạm ngưng tập trận trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao lớn này. Dù vậy, trong Thông điệp Liên bang đọc hôm 30-1, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn mối đe dọa của tên lửa hạt nhân Triều Tiên nhằm vào đất nước.
Theo ông Cha, Mỹ vẫn nên tiếp tục chuẩn bị các lựa chọn quân sự và cần sử dụng vũ lực đáp trả nếu Triều Tiên ra tay trước. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên tiến hành một cuộc tấn công ngăn chặn bởi điều này có thể khơi mào chiến tranh hạt nhân.
Ông Harry Kazianis, giám đốc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ, tin rằng chính quyền Mỹ sẽ không tấn công "chảy máu mũi" trừ khi nước này, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các căn cứ quân sự Mỹ bị Triều Tiên tấn công trước. Vấn đề cần quan tâm là các đồng minh của Mỹ sẽ chịu tổn thất đến đâu nếu kịch bản xấu này xảy ra, theo ông Kazianis.
Trước mắt, việc vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc còn để trống trong khoản thời gian nữa càng khiến hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên thêm xa vời.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!