“Bọn chúng đang mạnh lên do chẳng có ai đánh chúng cả” - ông Mahmoud Gazwan, chỉ huy lực lượng vũ trang ở thành phố cảng Misrata, nhận định. Misrata đã trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến chống IS kể từ khi chúng chiếm Sirte 1 năm trước và lôi kéo thêm nhiều tay súng nước ngoài đến.
IS còn đang lấn sang TP Benghazi ở phía Đông với việc nã pháo các cảng dầu Ras Lanuf và Es Sider. Trong ngày 23-2, chúng tấn công về phía Tây, xâm nhập TP Sabratha một thời gian ngắn trước khi bị đánh lui.
Lực lượng đặc biệt Mỹ đã gặp gỡ các đồng minh tiềm năng của Libya; Mỹ, Pháp và Anh đang thực hiện các phi vụ do thám để chuẩn bị hành động giúp các lực lượng Libya chiến đấu với IS. Mỹ vừa không kích tại Sabratha hồi tuần trước, tiêu diệt hơn 40 phiến quân IS. Tuy vậy, theo Reuters, Mỹ và các đồng minh phương Tây hiện không có ý định đưa bộ binh vào Libya. Họ vẫn chờ Libya có một chính phủ đoàn kết để đưa ra yêu cầu hỗ trợ chính thức.
Trong lúc chờ đợi, không kích là giải pháp được Washington lựa chọn để kiềm chân IS. Tương tự, không kích các thủ lĩnh cấp cao IS và hoạt động thận trọng trên bộ là “cuộc chiến bí mật” của Pháp ở Libya, theo cách gọi của tờ Le Monde.
Báo này hôm 24-2 đưa tin Tổng thống Francois Hollande đã cho phép lực lượng đặc biệt và biệt kích tình báo liên kết với Mỹ và Anh có “hành động quân sự không chính thức” chống IS ở Libya. Trong khi Bộ Quốc phòng Pháp từ chối bình luận thì chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Libya, ông Wanis Bukhamada, cho Reuters hay các nhóm quân sự Pháp ở nước này chỉ làm cố vấn tại Benghazi chứ không trực tiếp tham chiến.
Một diễn biến khác, báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trang Xung đột (CAR) cho biết từ tháng 7-2014 đến tháng 2-2016, phiến quân IS đã sử dụng hơn 700 thành phần để chế tạo các thiết bị gây nổ từ 51 công ty thuộc 20 quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ bị nhắc đến nhiều nhất với 13 công ty - 5 nhà sản xuất và 8 trung gian.
Bình luận (0)